Nắm bắt được sự cần thiết của việc đưa Steam vào các hoạt động giáo dục trẻ, ngày 22 và 23/10/2022 trường mầm non Hoa Thuỷ Tiên đã mời Ths Trần Thị Hằng – Nguyên phó trưởng khoa GDMN trường Cao đẳng Trung Ương về hướng dẫn giáo viên về phương pháp Steam. Trong buổi hướng dẫn tiến sỹ đã cung cấp cho giáo viên những nội dung cụ thể, từ hiểu Steam là gì, đưa steam vào các hoạt động của trẻ như thế nào để phát huy được hết tiềm năng sáng tạo của trẻ. Song song với việc hướng dẫn lý thuyết là phần thực hành kỹ năng hoạt động với nhiều nguyên vật liệu khác nhau, các cô giáo say sưa tìm hiểu, khám phá và tạo ra rất nhiều sản phẩm phù hợp với trẻ MN.
Giáo dục STEAM là một khái niệm dạy học liên ngành kết hợp giữa nghệ thuật với các môn học STEM truyền thống là: Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học. Nó nhấn mạnh việc học tập dựa trên thực hành thay vì theo cách giáo dục truyền thống, kiến thức lý thuyết. STEAM là một phương pháp giáo dục kiểu mới, được áp dụng đầu tiên ở Hoa Kỳ. Và sau đó đã được phổ biến ra nhiều quốc gia khác. Phương pháp giáo dục này là một cách thức chuyển đổi từ phương pháp truyền thống sang một cách thức mới, với mục đích giúp học sinh hiểu được sự liên quan giữa các khối kiến thức và có thể vận dụng tốt vào thực tế.
Một trong những lý do đem lại sự thành công cho phương pháp STEAM đó chính là khả năng truyền cảm hứng học tập cho học sinh mầm non. Trong quá trình học tập, các bé sẽ được tự do tìm tòi, khám phá, làm thí nghiệm khác nhau… Trẻ vừa được thỏa thích vui chơi cùng bạn bè và thầy cô, đồng thời tiếp thu một lượng lớn kiến thức và phát triển nhiều kỹ năng mềm hữu ích.
Khác với những phương pháp truyền thống, phương pháp giáo dục STEAM có tính ứng dụng vào thực tiễn rất cao. Sau khi học xong, trẻ mầm non có thể tự mình vận dụng kiến thức đã học vào trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy, phương pháp này được nhiều trường quốc tế áp dụng và trở thành chương trình học được rất nhiều bé yêu thích.
Có thể nói giáo dục Steam phát huy hết khả năng sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, khả năng thuyết trình mà hiện tại những khả năng đó ở trẻ vẫn còn rụt rè, nhút nhát chưa tự tin.
Sau 2 ngày tập huấn, BGH nhà trường cùng giáo viên đã nghiên cứu và đưa vào áp dụng thực tế tại nhà trường, để mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho trẻ.
Một số hình ảnh trong buổi tập huấn: