Những quan niệm sai lầm của cha mẹ về phát triển chiều cao cho bé
Nhằm chú trọng vào tăng trưởng chiều cao của trẻ ngay từ những năm đầu đời hãy tìm hiểu các sai lầm mà các bậc cha mẹ hay mắc phải khi chăm sóc chiều cao cho bé...
Sai lầm 1: Thúc bé phát triển chiều cao càng sớm càng tốt
Đây là một sai lầm nghiêm trọng trong phát triển chiều cao cho trẻ. Nhiều bậc phụ huynh dành cho bé một chế độ dinh dưỡng đặc biệt nhằm chú trọng vào tăng trưởng chiều cao cho trẻ ngay từ những năm đầu đời mà không biết rằng sự phát triển của chiều cao sẽ chậm dần đến khi hai đầu của ống xương khép kín lại thì trẻ sẽ không cao thêm nữa.
Khi bé đến tuổi dậy thì là giai đoạn chiều cao phát triển tăng vọt thì do trước đó ống xương đã bị "ép" phát triển nhanh một phần nên chiều cao của trẻ không được tăng trưởng tối đa trong "giai đoạn vàng" này.
Sửa sai: hãy để bé yêu phát triển một cách tự nhiên bên cạnh một chế độ dinh dưỡng hợp lý với độ tuổi và thể trạng của trẻ.
Sai lầm 2: Bổ sung canxi cho con càng nhiều càng tốt
Canxi là thành phần cần thiết trong sự phát triển chiều cao cho trẻ. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ lại cho con bổ sung canxi đều đặn và thường xuyên đến một mức dư thừa. Tình trạng "thừa mứa" canxi trong cơ thể có thể dẫn đến triệu chứng táo bón, buồn nôn hay nguy hiểm hơn là suy thận nếu tình trạng dư thừa canxi tiếp diễn trong một thời gian dài. Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh lại phạm phải một sai lầm khác khi chỉ tập trung bổ sung canxi mà lại quên đi người bạn thân của canxi trong phát triển chiều cao cho trẻ là Kẽm. Đối với trẻ em, kẽm giúp cho sự sinh trưởng và phát triển bình thường của trẻ trong giai đoạn mang thai, tuổi thơ và cả vị thành niên. Việc thiếu kẽm ở trẻ có thể dẫn chậm phát triển thể lực, chậm phát triển tâm thần, các bệnh về da và niêm mạc, dễ bị nhiễm khuẩn, biếng ăn, suy dinh dưỡng...
Sửa sai: Tham khảo các tài liệu y khoa và chăm sóc trẻ để biết được lượng canxi cần thiết cho trẻ theo từng độ tuổi.
Nên ưu tiên bổ sung canxi cho trẻ qua đường thực phẩm tự nhiên. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý cho con ăn đủ chất chứ không nên "bên trọng, bên khinh" đối với bất kỳ thành phần dinh dưỡng nào trong bữa ăn của con.
Sai lầm 3: Bé uống sữa = bé cao lớn
Tuy tích cực cho con uống sữa chứa nhiều dưỡng chất và có cả canxi nhưng nhiều trẻ "lùn vẫn hoàn lùn". Nhiều bà mẹ luôn than phiền về việc không tiếc tiền đầu tư vào các loại sữa danh tiếng và bổ dưỡng cho bé nhưng bé yêu vẫn thấp còi so với các bạn cùng lứa. Các mẹ này đã cung cấp cho con một trong những điều kiện cần để phát triển chiều cao nhưng lại thiếu đi điều kiện đủ là tạo điều kiện cho con vui chơi bên ngoài nhằm hấp thụ vitamin D vì vitamin D là yếu tố thúc đẩy cơ thể hấp thụ canxi. Ngoài ra, sự phát triển chiều cao cho trẻ còn lệ thuộc một phần vào chế độ vận động thể chất - điều mà nhiều bậc phụ huynh bảo bọc con quá kỹ đã vô tình tước mất quyền được vui chơi và quyền "được phổng phao" của trẻ.
Sửa sai: Nguồn dinh dưỡng từ sữa rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nên thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ và vận động ngoài trời hợp lý nhằm tối ưu hoá sự tăng trưởng chiều cao ở trẻ.
Sai lầm 4: Ỷ lại vào thực phẩm chức năng
Hiện nay, giữa một rừng thông tin quảng cáo và PR, các bậc phụ huynh đang bị các sản phẩm chức năng "xỏ mũi" và hớp hồn bởi các công dụng thần kỳ trong việc phát triển chiều cao cho trẻ.
Cộng thêm việc nhiều bé con hay ốm vặt và lại biếng ăn nên các bà mẹ đâm ra ỷ lại vào các dạng thực phẩm bổ sung này và chủ quan không đầu tư cho con ăn thêm các lọai thực phẩm đa dạng khác. Thật ra, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ trợ cho sức khỏe và chiều cao của con bạn mà thôi. Các sản phẩm chức năng này hoàn toàn không thể thay thế thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày.
Sửa sai: Thực phẩm tự nhiên với các dưỡng chất trong đó vẫn luôn là tốt nhất cho trẻ nhỏ. Lời khuyên cho các bậc phụ huynh khi cho con dùng các thực phẩm chức năng bổ trợ phát triển chiều cao là, "Chỉ nên xem thực phẩm chức năng là giá trị gia tăng, còn thực phẩm tự nhiên vẫn nên luôn là giá trị cốt lõi."
Sai lầm 5: Chiều dài bé sơ sinh quyết định chiều cao khi trưởng thành
Đây cũng là một trong những quan niệm sai lầm khiến cho các bậc phụ huynh "thần hồn nát thần tính" khi bé bị "ngắn" khi sinh ra hoặc chủ quan khi thấy bé con lúc oe oe chào đời hơi bị "dài". Thực tế, chiều dài bé sơ sinh không phải yếu tố dự báo chính xác chiều cao trưởng thành. Nhiều người đơn giản nghĩ bé còn nhỏ mà đã dài thì sau này hẳn sẽ cao lắm. Trong khi đó, chiều cao của cha mẹ có thể là yếu tố dự báo tốt hơn chiều cao trưởng thành của bé.
Sửa sai: Dù nhóc con "dài" hay "ngắn" khi chào đời thì ba mẹ vẫn nên luôn cung cấp cho con một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý bên cạnh việc sinh họat và vận động phù hợp với lứa tuổi và thể trạng của bé.
Sai lầm 6: Chiều cao lệ thuộc hoàn toàn vào yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền đúng là có ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao tối ưu của trẻ nhưng di truyền không chiếm tỉ lệ cao nhất trong các yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng thước tấc của trẻ.
Theo các công trình nghiên cứu và theo bà Phạm Thị Yến (trưởng khoa bệnh viện Hồng Đức), chiều cao của trẻ lệ thuộc vào di truyền (23%), vận động thể lực (25%), việc chăm sóc trẻ, giấc ngủ, môi trường, ánh nắng (20%)... nhưng tác động nhiều nhất vẫn vẫn là yếu tố dinh dưỡng (chiếm đến 32%). Điều này cho thấy, chú trọng đến vấn đề dinh dưỡng của trẻ vẫn nên là ưu tiên hàng đầu của mọi bậc phụ huynh.
Sửa sai: Nếu chẳng may vợ chồng bạn có chiều cao không khiến người khác phải "ngước nhìn" thì bạn cũng không nên quá lo lắng. Nếu bé yêu vẫn đáp ứng tốt đối với các yếu tố còn lại như dinh dưỡng, vận động, sinh họat ngủ nghỉ thì bé đã nắm chắc trong tay 77% còn lại để có được một chiều cao tối ưu sau này. 77% là một tỉ lệ không nhỏ phải không bạn?
Ước mơ bé yêu khi lớn lên có thể sở hữu một đôi chân dài miên man hoặc tầm vóc của một siêu sao bóng rổ sẽ không có gì là quá khó nếu ngay hôm nay bạn biết đầu tư và chăm sóc thước tấc cho con một cách tòan diện trên tất cả các "mặt trận" dinh dưỡng, vận động, sinh họat hợp lý. Chúc cho gia đình bạn sẽ được "con hơn cha là nhà có phúc" ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng.