Với khí hậu nồm ẩm, môi trường bị ô nhiễm như hiện nay thì tỷ lệ trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên khá cao. Qua thăm khám thực tế, các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, rất nhiều bố mẹ khi con mới chớm mắc viêm đường hô hấp đã vội vàng đưa trẻ đi khám, nhưng khi tái phát lần thứ ba, thứ tư và nhiều lần sau thì lại có tâm lý ngại đi khám, tự ý điều trị cho con.
Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Trưởng bộ môn Tai mũi họng, Trường Đại học Y Hà Nội, đối với bệnh lý viêm đường hô hấp trên thì trước hết cần tìm rõ nguyên nhân để có hướng điều trị đúng, bởi có những loại viêm không dùng đến kháng sinh. Bố mẹ không được phép lấy con mình ra “thí nghiệm” sử dụng kháng sinh, mà phải tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ để tránh kháng thuốc.
TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn trẻ em, Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ, có rất nhiều trường hợp trẻ bị uống nhiều kháng sinh, hoặc dùng các thuốc kháng viêm có chứa corticoid, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển, đặc biệt là về chiều cao. Nhiều trẻ đến Trung tâm khám cho thấy tình trạng thiếu canxi, thấp còi do lạm dụng kháng sinh khi trẻ nhiễm khuẩn hô hấp.
Vì vậy, bố mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên để tăng sức đề kháng cho trẻ. Ngay khi thấy triệu chứng sốt, biếng ăn thì cần cho trẻ ăn chế độ ăn mà trẻ ưa thích, đồ ăn mềm, có nước, bảo đảm đủ dưỡng chất, năng lượng, đạm trong khẩu phần như súp gà, súp bò. Trong súp, nên cho thêm chất béo, dầu mỡ nhiều omega-3 như dầu cá hồi làm tăng khả năng miễn dịch của đường hô hấp. Ngoài ra, cho trẻ uống thêm sữa, tăng cường cho trẻ uống nước, đặc biệt là nước hoa quả tươi cung cấp nhiều vitamin C.
Trong thời gian điều trị kháng sinh, không nên cho uống quá gần bữa sữa hay hoa quả, mà nên cách ba tiếng để tránh kết tủa và giúp trẻ dễ hấp thu kháng sinh. Khi trẻ dừng uống kháng sinh, thay đổi hệ vi sinh đường ruột, cần bổ sung sữa chua, thực phẩm có men vi sinh để tránh loạn khuẩn... Nếu tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ, chỉ sau hai tuần trẻ sẽ hồi phục.