Chọn đồ chơi phù hợp với độ tuổi của bé
Các bé từ 0-5 tuổi là giai đoạn phát triển rất nhanh về trí não và tương tác xã hội nên lựa chọn đúng đồ chơi sẽ đem đến lợi ích tối đa cho bé.
Chúng tôi vẫn khuyên cha mẹ nên tự tạo đồ chơi và môi trường vui chơi lành mạnh cho các bé, mặc dù, ngày nay, nhiều cha mẹ có điều kiện kinh tế hơn trong việc lựa chọn đồ chơi cho bé. Do đó, nếu lựa chọn đồ chơi cho các bé, cha mẹ nên sáng suốt lựa chọn những món đồ hợp với sự phát triển theo độ tuổi của bé để có được lợi ích tối đa.
Các chuyên gia sức khỏe Anh khuyên rằng: "Các bé từ 0-5 tuổi là giai đoạn phát triển rất nhanh về trí não và tương tác xã hội. Việc chọn đồ chơi cho bé ngày nay không đơn thuần là chỉ mang tính chất vui chơi nữa, mà còn phải mang tính chất giáo dục và phát triển trí não. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn cho bé là tối cần thiết".
1. Bé từ 3-6 tháng tuổi
Đặc điểm phát triển sinh lý:
Bé bắt đầu tương tác xã hội, chấp nhận nhiều tương tác từ xung quanh, không chỉ từ mẹ bé, như nhìn, nghe, chạm nắm, thích vật có màu sáng, có màu tương phản, thích ngậm và mút ngón tay chân, nâng đầu khi nghe âm thanh. Tất cả những điều này là do sự phát triển của não bộ đang diễn ra.
Đồ chơi tốt cho độ tuổi này:
- Những món cho bé có thể cầm nắm, đưa vào miệng: vòng tròn lớn, đồ chơi chất liệu mềm, có nhiều cấu trúc để bé có thể đưa vào miệng cắn, ngậm để khám phá cấu trúc không gian đồ vật.
- Những món cho bé nghe (âm thanh không quá chói tai hoặc quá dài): truyện đọc cho bé có âm thanh (con bò thì có tiếng "umm bò", con heo thì kêu "éc éc"), vòng có chuông, đồ chơi bóp có tiếng kêu (tránh đồ chơi siêu nhân có đèn chớp tắc và tiếng kêu vì dễ làm bé mất tương tác xã hội, làm bé thích ném, đập hơn là chơi khám phá).
-Những món đồ cho bé nhìn: album ảnh của cha mẹ còn nhỏ, album ảnh của bé, hoặc khuôn mặt các bé khác (chọn album nổi 3D để bé có thể chạm sờ). Cách khác, lúc chơi đùa với bé, bạn dùng tấm khăn mỏng che mặt bé, kéo khăn xuống rồi nói: "Mẹ thấy con rồi", bé thích khuôn mặt của bạn hoặc cho bé cái gương không dễ vỡ để bé có thể nhìn thấy mặt bé.
2. Bé từ 7-12 tháng tuổi
Đặc điểm sinh lý:
Bé sẽ hoạt động hơn, thích lật, di chuyển nhiều hơn. Nhiều bé thích bò khắp nơi, ngóc ngách quanh nhà, dường như bé là cục pin không bao giờ hết năng lượng. Có bé thích tự vịn đứng, thích đặt vật từ chỗ này sang chỗ khác, có thể hiểu khi được gọi tên (kêu tên bé thường xuyên), biết được một số bộ phận trên cơ thể như mũi, mắt, miệng và bắt đầu thích tạo ra những tiếng động để lôi kéo chú ý của mẹ, thay vì khóc ở giai đoạn trước.
Đồ chơi tốt cho độ tuổi này:
- Đồ chơi mang tính chất xã hội: búp bê nhựa (thường cho bé gái, chọn loại không có nhiều tóc, khuôn mặt xinh xắn, miệng cười, da trắng hoặc đen đều được), xe hơi có bánh xe (thường cho bé trai, có thể bằng gỗ hoặc nhựa tốt, xe lớn hơn miệng bé, bánh xe cũng lớn và dính cứng vào xe, không rời hay tháo lắp được).
Cả bé gái và trai đều thích thú thả nổi đồ chơi trong thau tắm (như vịt, tôm, cua nổi trên mặt nước). Lưu ý, nhà có bồn tắm thì luôn cẩn trọng khi bé cầm những món này vì xu hướng bé chạy vào bồn tắm để chơi thả, bạn phải luôn quan sát bé hoặc cất những món này, chỉ cho bé chơi khi bé đi tắm.
- Đồ chơi thả ném: bóng mềm, lớn hơn miệng bé, không quá căng, khi thả xuống thấy bóng nảy lên một tấc là được (có thể kèm theo tiếng động bên trong hoặc cấu trúc gồ ghề trên mặt bóng cũng được); chai nhựa rỗng có viên bi (dán chặt nắp chai) cho bé tập cầm nắm và ném hoặc lăn tròn. Lưu ý, không cho bé chơi bong bóng.
- Đồ chơi mang tính xây dựng không gian trong não bộ: các khối gỗ vuông, hình trụ, tam giác... cho bé cầm lên, bỏ xuống, dạy bé không được ném những món đồ này. Nếu bé thích ném thì cất, không cho chơi nữa và cho bé những món đồ thả ném được.
3. Bé từ 1-2 tuổi
Đặc điểm sinh lý:
Bé thích đi, chạy và khám phá, luôn bắt chước các hành động của mọi người. Bé bắt đầu có những ngôn ngữ cụ thể để thể hiện ý kiến của bé như lắc đầu khi không đồng ý, tự chạy đi lấy nếu bé chợt nhớ ra là cha mẹ đã từng làm như vậy. Ví dụ, bé sẽ tự đi lấy máy ảnh khi nhớ cha mẹ có đi lấy máy ảnh chụp hình bé khi nhìn thấy ai đó cầm máy ảnh chụp bé.
Các ngón tay bé sẽ linh hoạt dần, cầm nắm đất sét tốt hơn và cũng rất mạnh khi đánh xuống (nhiều bé thích đánh bạn vì bé nghĩ đánh bạn là trò chơi như đập tay, đập đồ chơi mà cha mẹ khen bé hay, giỏi. Do đó, cha mẹ nên cẩn trọng khen chê bé trong giai đoạn này.
Đồ chơi phù hợp độ tuổi này:
- Đồ chơi giúp bé có sự tò mò và sáng tạo: búp bê biết nhắm mắt ngủ khi nằm xuống hoặc búp bê có cái giường kèm theo để bé đặt búp bê lên giường. Với bé trai, có thể cho bé những chiếc xe hơi giống thật hơn, nhiều loại để bé học về các loại xe (xe cảnh sát, xe cứu hỏa, xe hơi gia đình, máy bay; lúc cho bé chơi, bạn nên giới thiệu bé các loại xe này để bé chơi đúng).
Tránh giới thiệu súng, dao, kiếm cho bé trai. Nhiều chuyên gia sức khỏe Anh cho rằng: "Việc giới thiệu đồ chơi bạo lực quá sớm làm bé rất khó dạy, hung hăn trong độ tuổi sau".
- Đồ chơi giúp phát triển trí não: sách, truyện nên có hình ảnh rõ, sáng, ít chữ, có âm thanh, cấu trúc trang truyện nhiều chi tiết, trên một trang như có hoa, bươm bướm, ong, cô bé quàng khăn đỏ.
- Mở đĩa nhạc bé nghe, có thể cho bé cái lắc nhạc để bé lắc nhảy theo tiếng nhạc, không mở màn hình tivi hoặc laptop, điện thoại cho bé xem.
- Bé từ 14 tháng tuổi trở lên có thể cho bé bút màu, đất sét (hoặc thay bằng bột làm bánh và màu thực phẩm) để bé chơi nặn. Bố mẹ chho đưa bé những bộ quần áo nhiều màu để bé thay cho búp bê.
4. Bé từ 3-6 tuổi
Đặc điểm sinh lý:
Bé cầm nắm tốt, có thể xoe tròn đất sét, hiểu được việc ôm, ru búp bê ngủ. Bé trai hiểu được xe cấp cứu sẽ chở người bệnh, xe cứu hỏa sẽ chữa cháy. Giao tiếp xã hội và tính cách sẽ phát triển trong giai đoạn này.
Đồ chơi phù hợp độ tuổi này:
- Mang tính thử thách: xếp hình, đóng mở các nắp khó (bé tuổi này thích tháo lắp đồ chơi, đặc biệt bé trai), các đồ chơi lắp ghép (bé trên 4 tuổi), siêu nhân có các khớp tay chân chuyển động tự nhiên (nhưng không nên có vũ khí kèm theo)
Không nên giới thiệu kiếm, súng cho bé mà nên giới thiệu những đồ chơi mô phỏng dụng cụ trong thể thao như vợt cầu lông, gậy đánh golf, gậy bóng chày... Khi giới thiệu cho bé biết những món này chơi như thế nào trong thực tế, bạn nên bế bé đi xem trận đấu (nếu có thể).
- Mang tính sưu tầm: dạy bé sở thích sưu tầm (ví dụ như nắp chai, mẫu hình khủng long, mô hình xe).
- Chọn sách có nội dung, ít chữ, nhiều hình ảnh như bộ sưu tập động vật, thực vật, khủng long.