Bé bị tiêu chảy khi dùng kháng sinh - Cách sử dụng “men tiêu hóa”
Tiêu chảy là tác dụng phụ khá thường gặp của trị liệu kháng sinh. Nguyên nhân có thể do kháng sinh làm phá vở cân bằng vi sinh vật. Tiêu chảy do kháng sinh thường tự giới hạn trong vài ngày sau khi ngừng kháng sinh. Bạn cần cho bé uống nhiều nước, ăn nhiều bữa từng ít một, tránh các thức uống ngọt trong thời gian này. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp diễn tiến không thuận lợi, kéo dài (đợt tiêu chảy hơn 14 ngày) hoặc thậm chí rất năng cần phải điều trị dài ngày ở bệnh viện.
Ở trẻ em khi phải dùng kháng sinh dễ gây tiêu chảy, bác sĩ có thể kê toa thêm một số chế phẩm probiotic (tạm dịch là trợ sinh) là các vi khuẩn sống, giống các vi khuẩn trong hệ vi sinh vật thường trú ở ruột để tái lập cân bằng “sinh thái”. Antibio, Biovita, Biosubtyl, Enterogermina, Lactomin Plus, L-Bio, Ultra Levue… là các loại chế phẩm này. Các chế phẩm probiotics (trong dân gian thường gọi lầm là men tiêu hóa) không phải là thuốc, mà được xếp vào nhóm chất bổ sung dinh dưỡng. Có nhiều loại vi khuẩn sống có lợi cho sức khỏe đã được nghiên cứu, nói chung được chia làm các nhóm sau: nhóm sinh axit lactic, nhóm bifidus, nhóm sinh bào tử và nhóm nấm. Tuy nhiên cần lưu ý không phải loại chế phẩm nào có nhãn ghi probiotic cũng có hiệu quả như nhau (vì còn tùy chủng loại, tỷ lệ sống sót khi qua dịch vị…).
Ba nguyên tắc chính để điều trị tiêu chảy tại nhà là uống nhiều nước để ngừa mất nước, ăn nhiều để có sức mà mau lành bệnh và tái khám đúng lúc. Các chế phẩm probiotics chỉ có tác dụng điều trị HỖ TRỢ trong một số loại tiêu chảy như tiêu chảy do kháng sinh, do rotavirus…và hiệu quả chỉ ở mức vừa phải.
Tác giả: admin