Truyện: Kể chuyện Phùng Khắc Khoan
Ngày xưa, vào đời Nhà Lê, ở làng Phùng Xá, đất Sơn Tây có một thư sinh tên là Phùng Khắc Khoan. Tương truyền rằng Khoan là anh em cùng mẹ khác cha với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phùng Khắc Khoan lớn lên, được mẹ cho đi Hải Dương theo học anh là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Về sau đỗ tiến sĩ, giúp nhà Lê trung hưng, làm được nhiều việc lớn. Đến khi nhà Lê khôi phục được kinh thành Thăng Long, thì Phùng Khắc Khoan được cử đi sứ triều Minh bên Tàu.
Khi đi sứ, vua Tàu phục tài văn thơ của ông làm cả một lúc 36 bài thơ. Vua Tàu phong Phùng Khắc Khoan làm Lưỡng Quốc Trạng Nguyên. Khi ông trở về nước Việt, đi qua tỉnh Lạng Sơn, ông gặp Liễu Hạnh Công Chúa hiện hình chơi trên đỉnh núi. Đôi bên cùng đọc thơ xướng hoạ, rồi bà Chúa Liễu biến mất.
Tục truyền rằng công chúa Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng, tên là Quỳnh Nương. Vì cô lỡ tay làm rơi vỡ chén ngọc ở thiên đình, nên bị đày xuống trần gian, đầu thai làm người ở vào thời Hậu Lê, ở nhà của Lê Thái Công, đất Vụ Bản, Nam Định. Họ Lê đặt tên con gái là Giáng Tiên, lớn lên lấy chồng là Đào Lang. Sau 3 năm vợ chồng chung sống, đến ngày mồng 3 tháng 3 thì Giáng Tiên bay về trời.
Nhưng vì chưa hết hạn ở hạ giới, nên Ngọc Hoàng lại đày cô xuống thế gian một lần nữa. Lần này, nàng công chúa Thượng Giới đi cùng với 2 tiên nữ nữa là Quế Nương và Thị Nương xuống ở miền Phố Cát, đất Thanh Hóa. Nàng thường ngao du sơn thuỷ, hiện ra ở nhiều nơi, làm nhiều việc linh hiển, và được triều đình phong sắc là công chúa Liễu Hạnh, được xếp vào hạng tứ bất tử của Việt Nam, sau các Thần Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử.
Trong một cuộc du ngoạn, công chúa Liễu Hạnh đã gặp nhân sĩ Phùng Khắc Khoan. Sau cuộc hoạ thơ cùng tiên nữ tài hoa, Phùng Khắc Khoan đi trên đường thấy gỗ chất ngỗn ngang trên đường, có chữ sắp là Liễu Hạnh và Phùng, thì đoán biết là ý tiên nữ muốn ông đứng ra lập đền thờ bà.
Phùng Khắc Khoan còn gặp công chúa Liễu Hạnh hiện ra một lần nữa, giữa lúc ông đang đi du thuyền chơi ở Hồ Tây, cùng hai người bạn họ Ngô và họ Lý. Kẻ tiên người phàm đã cùng nhau làm thơ xướng hoạ liên ngâm, và thơ hãy còn truyền đến nay.