Truyện dân gian: Thơ trống, vần thiên
Một lần Quỳnh được nhà vua cử đi sứ Tàu, trọng trách khá nặng nề, vì vua Tàu quen thói nước lớn hay giở trò sỉ nhục sứ ta. Lần ấy, vua Tàu muốn ra oai cho sứ Nam biết thiên triều lắm bậc đại danh, bèn tổ chức cuộc thi để Quỳnh cùng các quan hàm lâm Bắc quốc có dịp trổ tài văn bút. Thật là dịp hiếm có.
Các quan hàm lâm Bắc quốc đã được thông báo sẵn đề thi trước mấy giờ để kịp thi thố tài năng; riêng Quỳnh tất bị giữ kín, sẽ lâm vào thế bị động, thua là cái chắc.
Trước mặt vua Tàu, những người dự thi sẵn sàng giấy bút chờ đề vua ban. Quỳnh và mấy người được báo cho hay: khi trống nổi lên, ấy là cuộc thi bắt đầu.
Quỳnh chăm chăm nhìn vào giáo trống. Bỗng “tùng” một cái, trống điểm rành rọt, mà đề thi vẫn chẳng có. Trong lúc ấy các quan hàm lâm Bắc quốc không ai bảo ai đã cắm cúi viết, người được mấy dòng, kẻ đã gần kín trang.
Biết là bị mắc mưu lừa, Quỳnh ngẫm nghĩ: “Đề thi không ra mà họ lại làm được bài, ắt là đề thi bị giấu, nhưng chỉ giấu ta còn không giấu họ. Vậy phải tương kế tựu kế, không thể để nhục quốc thể”.
Nghĩ đoạn Quỳnh thực hiện ngay mưu mẹo, cắm đầu vào quyển thi, lia thiên lịa thẹo nét bút lòng vòng, dấu mực nho đè dúi vào nhau, trông hàng lối đâu đấy nhưng không chữ nào ra chữ nào. Viết xiên viết xẹo một chặp, Quỳnh cuộn bài thi đút vào ống quyển đem nộp.
Đi lướt qua mặt các quan hàn lâm Bắc quốc, Quỳnh liếc nhanh để xem đề thi là gì, thấy loáng thoáng bốn chữ: “Thơ trống vần thiên”. Đúng như Quỳnh chợt nghĩ lúc nãy, khi thấy thị vệ đánh trống xong, bỗng chỏ dùi trống lên trời ( chữ hán: Thiên nghĩa là trời).
Nắm chắc đề thi rồi, Quỳnh ung dung trở lại kỳ án của mình, chuẩn bị trong đầu bài văn thật hay, thật chỉnh, theo đúng đề thi vua ngầm đưa ra.
Cuộc thi kết thúc, các bài văn khác được đọc lên, riêng bài của Quỳnh thì cả vua Tàu, cả các bậc tài danh thiên triều đều cứng họng không đọc nổi, vì đó chỉ là những dấu mực loằng ngoằng vô nghĩa đè giúi vào nhau thành hàng thành lối. Thật như bát quái trận đồ.
Vua Tàu giận lắm mắng Quỳnh té tát:
– Nhà ngươi đúng là đồ vô học, không biết chữ thánh hiền, vậy mà cũng dám dự thi với các danh tài thiên quốc. Giá ngươi nói trước, tội còn giảm được đôi phần. Đằng này điếc không sợ súng, ngươi dám bỉ mặt ta, tội không tha được!
Quỳnh chẳng hề lúng túng, lễ phép tấu trình:
– Tôi đâu dám làm điều sằng bậy. Bài văn tôi viết hay lắm, dẫu không giật giải nhất cũng chẳng phải văn xoàng, để đến mang tội. Xin được soi xét công minh.
– Ngươi có viết gì đâu mà bảo văn hay. Lại còn soi xét. Soi xét mấy đống gà bới à?
– Thật oan cho thần.
– Oan là oan thế nào? Có ai đọc nổi gì đâu mà ngươi dám bảo oan?
– Chết nỗi, thần cứ nghĩ nhà vua và các danh tài đất thiên triều thông hiểu lối chữ thảo của nước chúng tôi. Vậy là tôi nhầm. Xin được chép lại theo lỗi chữ thông thường mà bọn học trò ở xứ tôi vẫn tập viết vậy.
Vua Tàu nghe thấy chuyện lạ, cho phép Quỳnh chép lại bài văn để vua thưởng lãm.
Thế là bài văn trong đầu Quỳnh được thể rông rổng tuôn ra đầu ngọn bút lông, tha hồ thả ngọc phun châu. Vua Tàu đọc xong gật gù phê là tuyệt tác, rồi bỗng hỏi Quỳnh:
– Văn tài như ông, xứ Nam có mấy người?
– Dạ, tôi chả đáng mặt văn tài xứ Nam, vì xứ Nam tôi nhiều người giỏi lắm, còn vô học như tôi. Quỳnh nói chậm lại và hơi nhấn giọng, nghĩ đến lời vua Tàu lúc nãy mắng mình là vô học
– Vâng cái đồ vô học như tôi thì ở nước Nam mỗi nhà đều có vài người.
Vua Tàu nghe vậy cả kinh, biết là mắc mưu Trạng Quỳnh mà vẫn phục tài sứ thần Nam Quốc.