Truyện cổ thế giới: Người thổi sáo thành Hamelin
Hamelin (tiếng Đức: Hameln) là một thành phố bên sông Weser bang Niedersachsen nằm trong vùng tây bắc nước Cộng hòa Liên bang Đức. Mặc dù có phong cảnh tuyệt đẹp và rất nhiều công trình kiến trúc theo phong cách Phục Hưng Weser vô cùng tráng lệ, nhưng chính “Người thổi sáo thành Hamelin” mới là điều thu hút mọi người tới thành phố này.
Câu chuyện được cho là dựa trên một sự kiện bi thảm tại Hamelin vào thế kỷ mười ba (thời Trung Cổ1) khi thành phố đột nhiên có rất nhiều trẻ em bị mất tích. Trong “Bản thảo Lueneburg” thế kỷ mười lăm có viết: “Lễ thánh John và Paul, ngày 26 tháng 6 năm 1284, một trăm ba mươi đứa trẻ sinh ở Hamelin đã bị một người thổi sáo mặc quần sáo sặc sỡ dụ dỗ và mất tích phía gần đồi.” Rất nhiều giả thuyết được đặt ra xung quanh sự biến mất kỳ dị này, tuy nhiên, đáp án của nó vẫn luôn là một điều bí ẩn.
Cũng từ “Người thổi sáo thành Hamelin”, hiện nay, cứ vào ngày 26 tháng 6, ở Hamelin lại diễn ra một lễ hội gọi là lễ hội Người Bắt Chuột (Rat Chatcher’s Day).
NGƯỜI THỔI SÁO THÀNH HAMELIN
Người dịch : Helian
Ngày xửa ngày xưa, có một thành phố tên gọi Hamelin nằm bên bờ dòng sông Weser phía bắc nước Đức. Dân chúng nơi đây chất phác hiền hòa, chăm chỉ làm ăn, sống bình đạm trong những ngôi nhà bằng đá xám. Năm tháng trôi qua, nhờ giao thương thuận lợi, thành phố trở nên giàu có thịnh vượng, dân cư đông đúc, tiếng cười của bọn trẻ vang lên khắp nơi.
Rồi một ngày nọ, tai họa xảy ra đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống vốn bình yên ở nơi này. Cũng như bao thành phố khác, Hamelin thường có chuột, tuy nhiên, chúng chưa bao giờ là mối nguy hiểm lớn vì mèo luôn thực hiện tốt nhiệm vụ bắt chuột của mình. Đột nhiên, số lượng chuột bỗng tăng nhanh khủng khiếp. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả thành phố đã bị xâm chiến bởi một đoàn quân chuột đen ngòm. Đầu tiên, chúng tấn công nhà kho rồi kho thóc, bao nhiêu lương thực hoa màu bốc hơi sạch sẽ. Sau đó, khi đã hết những thứ ngon lành, chúng ngang nhiên tiến vào nhà lớn. Gặp gì gặm đấy: gỗ, vải vóc, giấy tờ, da thuộc, gia súc, gia cầm… tất cả những gì có thể nhai được, kể cả mèo. Sắt là thứ duy nhất thoát khỏi cuộc càn quét. Con người ra sức đánh đuổi, bẫy chụp, dùng mọi khả năng và cách thức nhưng chỉ được lúc đầu. Dần dần mọi người trở nên mệt mỏi, sợ hãi trước cuộc chiến tranh phá hoại khủng khiếp này. Lượng chuột sinh sôi với tốc độ chóng mặt và ngày càng hung hãn, đến nỗi tấn công cả con người.
Sau cùng, dân chúng hoảng loạn, bèn tập trung quanh tòa thị chính, yêu cầu các nhà chức trách giúp họ thoát khỏi nạn dịch. Bên trong, tại phòng Thị trưởng, tất cả các thành viên ưu tú của hội đồng đang vô cùng căng thẳng họp bàn tìm cách diệt chuột.
- Những gì chúng ta cần là một đội quân mèo!
Nhưng tất cả mèo đều chết hết rồi.
- Chúng ta sẽ bẫy chúng bằng thức ăn tẩm thuốc độc.
Nhưng toàn bộ lương thực sắp cạn và ngay cả thuốc độc cũng không thể địch lại được số lượng khổng lồ kia.
- Chuyện này mà không có sự giúp đỡ bên ngoài e rằng không xong! – ngài Thị trưởng rầu rĩ nói.
Trong khi dân chúng vẫn náo loạn bên ngoài thì có tiếng gõ cửa vang lên.
“Có thể là ai nhỉ?” – Thị trưởng tự hỏi một cách bất an, lo lắng nghĩ tới đám đông đang phẫn nộ. Họ rón rén mở cửa. Trước mắt họ là một người cao gầy, quần áo sặc sỡ như những người thường biểu diễn tại các lễ hội, mũ gắn lông vũ dài, trong tay là một cây sáo bằng vàng. Khuôn mặt người này thực khó đoán tuổi, nụ cười nửa miệng và ánh mắt có phần châm biếm.
- Tôi vừa giúp các thành phố khác thoát khỏi nạn bọ và dơi. – Người lạ mặt nói – Chỉ với một nghìn florin, tôi sẽ giúp các ngài quét sạch lũ chuột.
- Chỉ một nghìn florin! – Ngài Thị trưởng kêu lên vui sướng – Chúng tôi sẽ trả anh năm mươi nghìn nếu anh thành công.
- Ngay sớm ngày mai, sẽ không còn một bóng chuột ở Hamelin này nữa! – Người kia cười nhẹ, trầm tĩnh đáp.
Hôm sau, khi những tia sáng đầu tiên của ngày mới vừa xuất hiện, tiếng sáo đã khe khẽ vang lên trong khắp các con phố nhỏ. Người thổi sáo đi chầm chậm qua từng ngôi nhà và sau hắn là một đoàn quân chuột đông đảo. Chúng tuôn ra từ cửa chính, cửa sổ, cống rãnh, khắp mọi nơi, to nhỏ đủ cỡ, tất cả tụ lại và bám riết theo tiếng sáo mê hoặc. Người lạ mặt vừa thổi sáo vừa tiến về phía dòng sông. Được một lúc, thấy thời điểm thuận lợi đã tới, hắn không ngại dòng nước xiết, từ từ đi xuống đến khi ngập nửa người. Đàn chuột mụ mị cũng xuống theo, hòa vào sông như một dòng nước bẩn. Dòng chảy từ từ cuốn chúng ra xa rồi hung hăng ào ạt nhấn chìm không sót một mống, như thể tẩy trừ.
Khi mặt trời lên cao cũng là lúc trong thành không còn một bóng chuột. Dân chúng hoan hỷ ăn mừng. Trong tòa thị chính, hội đồng thậm chí còn vui sướng gấp bội, vừa diệt được lũ chuột mà không phải động chân tay lại vừa được tiếng tăm vang lừng, xứng đáng là những nhà cầm quyền tài giỏi hết lòng vì dân chúng. Mọi việc thật tốt đẹp và tiệc rượu linh đình cứ thế diễn ra cho tới khi người thổi sáo tới lấy tiền công như đã giao ước.
- Năm mươi nghìn florin? – Hội đồng la lên – Anh đùa chắc?!
- Các ngài đã đồng ý như vậy. – Người thổi sáo điềm tĩnh đáp.
- Đừng nói vớ vẩn! Ai lại đi đồng ý với cái giá trên trời đó cho việc đuổi mấy con chuột.
- Lúc nguy khốn, chính tôi đã không quản ngại đến đây và đề nghị một cái giá phải chăng, các ngài vui mừng hứa hẹn chắc chắn như đinh đóng cột. Bây giờ, khi xong việc, các ngài lại phủi tay trắng trợn vậy sao?!
- Nếu anh còn tiếp tục nói nhăng cuội, bọn ta sẽ gô cổ tống tù.
- Các ngài thật tráo trở! Là nhà chức trách, sao các ngài có thể làm việc vô lý như vậy. Thôi được, nếu không trả cái giá kia thì ít nhất cũng phải trả tôi một nghìn florin.
- Giờ thì chuột chết hết rồi. Không đời nào chúng có thể quay lại nữa. Hãy biết điều mà nhận năm mươi florin này đi. Nếu không, anh sẽ chẳng nhận được một cắc nào hết. – Thị trưởng chen ngang.
Như thể có một khối khí lạnh buốt giá ở đâu ào ạt tràn vào căn phòng, đè nén đến tức thở khiến mọi người dường như bị đông cứng. Trán người thổi sáo cau lại, đôi mắt sâu lại càng âm u tựa như đang nghiền ngẫm một kế hoạch khủng khiếp. Hắn từ từ chỉ thẳng tay về phía hội đồng, gằn giọng: “Rồi các người sẽ phải ân hận suốt đời vì không giữ đúng lời hứa!” – vừa dứt lời liền biến mất.
Cả hội đồng run rẩy sợ hãi nhưng ngài Thị trưởng chỉ nhún vai, nói một cách thỏa mãn: “Thế là chúng ta đã tiết kiệm được năm mươi nghìn florin.”
Sau biến cố chuột, đời sống người dân thành Hamelin trở lại như cũ. Giao thương thông suốt. Mọi người hối hả làm ăn để bù lại những gì đã mất và tích trữ cho thời gian sắp tới. Không còn chuột, bớt đi một loài phá hoại, cây trồng sinh trưởng tốt tươi, lương thực ngũ cốc chất đầy kho mà không lo mất mát. Không khí trong lành, khắp nơi nhộn nhịp, thành phố thực sự hồi sinh và hứa hẹn còn trù phú hơn trước.
Tảng sáng một ngày mùa hè trong lành, khi mọi người còn đang say ngủ thì người thổi sáo trở lại. Trong trang phục thợ săn với chiếc mũ đỏ kỳ dị, hắn bắt đầu khúc nhạc của mình với ánh nhìn chết chóc. Những giai điệu mê hoặc lẩn quất theo gió bay tới mọi ngóc ngách trong thành. Mọi việc diễn ra giống hệt lần diệt chuột trước đó, có điều, giờ đây, theo sau hắn không phải là chuột, mà là một đám trẻ con lớn nhỏ đủ mọi lứa tuổi. Người lớn vẫn ngủ ngon lành, chỉ có bọn trẻ mới nghe thấy và vội vàng lao theo tiếng sáo đầy dẫn dụ. Đi đầu trong đám say sưa bám sát người thổi sáo qua từng con phố chính là con gái lớn của ngài Thị trưởng.
Đoàn người nhanh chóng rời khỏi thành phố rồi tiến vào rừng. Họ đi mãi đến khi tới chân một ngọn núi cao. Người thổi sáo tới trước vách núi và thổi to hơn. Đá liền nứt ra thành cánh cửa rộng. Bọn trẻ lũ lượt theo hắn đi vào trong hang. Ngay khi bóng dáng đứa trẻ cuối cùng chìm vào bóng tối, cánh cửa liền khép chặt. Tiếp đó, đột nhiên một trận lở đất xảy ra, cả ngọn núi rung chuyển. Đất đá ầm ầm trút xuống, lối vào hang bị lấp chặt và chôn vùi vĩnh viễn.
Người lớn thức dậy, không thấy con em mình đâu liền cuống quít đi tìm. Các bà mẹ kêu khóc thảm thiết, các ông bố hốt hoảng lao ra đường rồi đến các cổng thành tìm con. Mọi ngõ ngách đều bị xới tung, mọi phương tiện liên lạc được huy động hết công suất. Nhưng tất cả đều vô vọng. Cuối cùng, họ tìm thấy một em bé tật nguyền trong rừng. Em kể cho mọi người nghe chuyện đã xảy ra. Em thoát được là vì không đuổi kịp đoàn người lúc họ đi vào núi. Mọi người đổ đến chân núi với chút hy vọng mong manh. Nhưng cho dù họ cố gắng làm mọi thứ, các nạn nhân của ngọn núi không bao giờ được trả lại.
Nhiều năm sau, người ta mới lại nghe thấy tiếng cười nói vui vẻ của bọn trẻ vang lên trên các nẻo đường thành Hamelin. Bài học đau đớn với cái giá quá đắt của nó vẫn còn in rõ trong tim mọi người và được truyền lại cho đến ngày nay.
Ý kiến ngoài lề:
Sau khi đọc xong, có một số ý kiến cho rằng câu chuyện quá tàn nhẫn và bất công, người lớn gây ra người lớn phải chịu, tại sao lại là những đứa trẻ.
Dựa theo tình tiết của câu chuyện, chúng ta có thể đoán rằng, một khi dân chúng biết được toàn bộ sự việc thì những người gây ra sẽ không thể thoát tội. Còn việc mất đi những đứa trẻ sẽ hành hạ họ cả đời.
Nói tới vấn đề này thì cũng như ở ngoài đời thật, bạn cứ để ý mà xem, những người gây ra tội nghiệt, có vay không trả, qua cầu rút ván, nếu không chính bản thân phải trả giá đắt, sống dở chết dở; thì cũng là mất đi thứ quá giá nhất hoặc không thì tai họa sẽ rơi vào những người thân xung quanh họ; bắt họ phải sống mà chứng kiến.
Đôi khi, chính sự hối hận, dằn vặt mới là lưỡi dao vô hình sắc nhọn, cứa đi cứa lại vào tâm khảm người ta, tra tấn họ, khiến họ đau đớn vật vã, khốn khổ tột cùng hơn bất cứ vết thương trên da thịt nào mà mắt thường có thể thấy được.
Vạn vật có quy luật vận hành và cân bằng của riêng nó. Vay là phải trả, gieo nhân thì sẽ phải gặt quả, không ai thoát được.
Vậy nên, khi còn được lựa chọn cái giá mình phải trả để có thứ mình muốn, hãy vay – trả thật sòng phẳng. Nếu không, có trời mới biết được lúc nào bạn sẽ bị tính sổ, mà lại còn với một mức lãi cắt cổ đau đớn đến không ngờ.