Với tiết trời Thu trong lành, mát mẻ, gió nhẹ lay động tán lá thật sự rất tuyệt vời và dễ chịu, các bạn nhỏ rất hào hứng, vui vẻ, trên khuôn mặt luôn nở nụ cười để chào đón chuyến thăm quan với nhiều điều thú vị. Chuyến thăm quan hôm nay thật đặc biệt các bạn nhé, vì là khu di tích lịch sử, văn hóa nằm ngay cạnh trường nên chúng tớ không cần phải đi bằng ô tô đâu, mà chúng tớ được các cô cho đi bộ đấy.
Các con được đi bộ cùng cô
Đến khu di tích Đình làng Lệ Mật, chúng tớ đã xếp hàng ngay ngắn cùng các cô dâng hương kính dâng lên Đức Thánh Thành Hoàng Làng để cầu mong Đức Thành phù hộ cho chúng tớ luôn mạnh khỏe, thông minh, học giỏi.
Các con dâng hương kính dâng lên Đức Thánh Thành Hoàng Làng
Chúng tớ tập trung dưới mái đình để nghe ông Trưởng ban di tích kể chuyện về lịch sử truyền thống đình làng Lệ Mật. Chúng tớ biết được tương truyền, vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) có một cô con gái cưng thường bơi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (sông Đuống). Một hôm, công chúa bị đắm thuyền và mất tích, nhiều người đã lặn xuống nhưng không tìm thấy. Cuối cùng, một người xuất thân bắt rắn ở Lệ Mật tên là Hoàng Đức Trung mới đưa được xác công chúa lên bờ. Vua ban thưởng gấm vóc, vàng bạc nhưng ông từ chối tất cả, chỉ xin cho các đồng hương sang khai khẩn vùng đất hoang phía Đông-Nam kinh thành Thăng Long. Được vua ưng thuận, dân Lệ Mật và mấy làng xung quanh đã di cư và biến vùng đất ven đô ấy dần dần thành 13 trang trại mà sách sử gọi là khu “Thập Tam Trại”. Hoàng Đức Trung làm hoạn quan ở trong cung còn giúp đỡ dân làng được nhiều việc khác. Sau khi ngài mất, Lệ Mật và các làng liên quan đều lập điện thờ và suy tôn ngài là Thành Hoàng. Đặc biệt, dân Lệ Mật còn phát triển nghề bắt rắn và nuôi rắn thành truyền thống kéo dài cho đến hôm nay. 18 Tháng Năm, 2015
Các bạn nghe ông Trưởng ban di tích của Đình làng nói chuyện về di tích lịch sử Đình làng Lệ Mật
Qua lời kể của ông: “ Vào ngày 08/05/2015, Đình Lệ Mật được đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Lệ Mật được mở ngày 23/3 âm lịch hàng năm, tưởng nhớ Hoàng Đức Trung, người có công trong việc đưa người nghèo từ làng Lệ Mật tới vùng kinh đô khẩn hoang, lập ra 13 trại ở tây thành Thăng Long (quận Ba Đình ngày nay). Nếu có dịp về thăm quê hương của chúng tớ, các bạn nhớ đến thăm vào dịp Hội làng để được xem hội cùng chúng tớ nhé!
Các bạn nhỏ chụp ảnh trước cổng Tam quan
Sau khi được nghe kể về truyền thống lịch sử của chính đình làng mình, các bạn nhỏ thấy thêm yêu, tự hào hơn về mảnh đất quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên. Các bạn nhỏ hứa phải biết giữ gìn truyền thống văn hóa của địa phương mình bằng cách giữ gìn vệ sinh, chăm ngoan, nghe lời ông bà, bố mẹ, thầy cô giáo...
Kết thúc chuyến thăm quan học tập di tích lịch sử Đình làng Lệ Mật, chúng tớ lại được cùng các cô đi bộ về Trường trong niềm hân hoan, vui sướng.
Các bạn nhỏ chụp ảnh trước cổng làng