Hằng ngày, hằng giờ họng phải tiếp xúc với mọi nguy cơ gây viêm nhiễm nên viêm họng là một bệnh rất hay gặp và phổ biến ở mọi lứa tuổi, mọi giới, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Viêm họng cấp tính nếu không được điều trị dứt điểm sẽ rất dễ trở thành mãn tính.
Khảo sát tại một số bệnh viện, đa số những trường hợp bệnh nhi bị viêm họng đi khám thời gian này là viêm họng cấp tính, trong đó viêm họng đỏ chiếm số lượng lớn.
Nguyên nhân gây bệnh viêm họng đỏ chủ yếu do một số loại virut (chiếm tới 80%) như Adenovirus, Rhinovirus, APC virus (Adeno- Pharyngo-Conjontive virus), virut hợp bào đường thở (SRV-Syntial Reperatory Virus), virut cúm, sởi... Chỉ có khoảng 20% trường hợp do vi khuẩn, đó là các loại liên cầu trùng, phế cầu trùng, tụ cầu trùng, H.influenzae...
Nguy hiểm hơn cả là liên cầu trùng tan huyết nhóm A vì nó là thủ phạm gây nên biến chứng viêm họng dẫn đến thấp tim, viêm khớp, viêm thận. Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ như thay đổi thời tiết, lạnh quá (việc ra vào điều hòa nhiều, nhiệt độ cơ thể bị lạnh, nóng đột ngột), ẩm quá, hóa chất, bụi, khói thuốc, rượu... cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Biểu hiện lâm sàng đầu tiên là bệnh nhi sốt cao 39-40oC, đau người, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ chơi, đau rát trong họng khi ăn uống các chất lỏng như nuốt nước bọt, nước uống, cháo..., còn ăn các chất rắn lại ít đau. Ho là triệu chứng thứ hai. Ho sẽ xuất hiện từng cơn có đờm nhày, lúc đầu trắng, sau thành màu vàng đặc. Ho nhiều, gây ra khản giọng, thậm chí mất tiếng, khi đó toàn bộ niêm mạc họng đỏ rát với nhiều chất dịch nhày ở thành sau họng. Đôi khi ở cổ còn nổi những cục hạch nhỏ.
Để điều trị bệnh, các bác sỹ đã đưa ra lời khuyên, mọi người chỉ nên dùng kháng sinh cho trẻ khi nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn. Còn đối với viêm họng do virut thì không nên cho trẻ uống thuốc kháng sinh, mà chỉ nên điều trị các triệu chứng bằng nhóm thuốc hạ nhiệt như Paracetamol, Efferalgan, Aspesic... khi nhiệt độ cơ thể trẻ tăng hơn 38oC và sau từ 4 đến 6 giờ mới dừng lại; nhóm giảm ho như Atussin, siro phenergan, ho bổ phế, Theralen; nhóm làm cho độ pH ở họng ổn định, giảm ngứa, giảm rát như Rhinathiol viên hoặc siro, các loại thuốc ngậm Oropivalon, Lysopaiin, các loại thuốc phun Locatiotal; nhóm giảm phù nề chống viêm, tan đờm A-thymotrypsin, mucomyst, mucosoval; nhóm thuốc súc họng bằng các dung dịch kiềm là nước muối sinh lý, thuốc súc họng TB... Nếu được điều trị đúng cách, trong vòng từ 7 đến 10 ngày bệnh sẽ khỏi.
Như vậy, các bác sỹ chuyên khoa đã chỉ ra rằng, khoảng 80% trường hợp bị ho không cần dùng đến kháng sinh; không nên cứ thấy trẻ ho là tìm đến kháng sinh, vì dùng kháng sinh không đủ liều, không đúng cách cũng rất có hại cho sức khỏe của trẻ.