Ứng xử nơi công cộng
Mình từng chứng kiến nhiều bậc phụ huynh rất khó xử khi bé có những hành vi không tốt nơi công cộng. Một lần trong siêu thị, một đứa bé ngồi trên xe đẩy theo mẹ mua đồ rất ngoan. Đi ngang khu thực phẩm, bé bốc 1 trái táo ăn ngon lành. Cha mẹ chẳng những không rầy con còn cười tủm tỉm, khen bé "thông minh"?! Và khi trái táo còn hạt thì người bố vứt ở quầy bán nước giải khát, xem như xong chuyện! Khi đến khu đồ chơi, bé nằng nặc đòi xuống và ôm ngay một con robot yêu thích. Mẹ bé cũng hết sức dỗ dành rằng: cái này rất đắt, mẹ không thể mua cho con, nếu con ngoan thì sinh nhật tới mẹ sẽ mua
v.v..Nhưng bé vẫn không chịu và nhất định không rời món đồ chơi. Mẹ giằng ra thì bé oà khóc và ăn vạ ngay tại chỗ. Bố bé thấy thế liền bảo:"mua cho nó cho rồi, người ta nhìn kìa, xấu hổ quá đi!". Cuối cùng là bé ung dung xách con robot về nhà.
Bản thân mình nhìn nhận vấn đề này như sau: cha mẹ không nên có thái độ nhượng bộ trong hoàn cảnh này, cũng không nên để mặc bé khóc và cũng không cần thiết phải xoa dịu bằng 1 lời hứa có thể không thực hiện. Theo mình thì sự quyết tâm của cha mẹ rất có giá trị. Cha mẹ có thể mau chóng tính tiền và đưa bé về, dĩ nhiên không kèm con robot. Khi đã về nhà, một quy định mới được đặt ra là nếu vòi quà, bé sẽ không bao giờ được đi siêu thị lần nào nữa. Nếu bé khóc ăn vạ thì cách tốt nhất là cứ để bé khóc. Vốn dĩ mọi đứa trẻ trên đời đều khóc và tuy nhỏ nhưng chúng cũng như những con chim non đang tập bay, luôn có thất bại, thành công và...rút kinh nghiệm để đạt điều mình muốn. Trẻ nhận thức được rằng chỉ cần khóc, ăn vạ chốn đông người là bố mẹ sẽ chiều theo mình ngay. Và chiêu này sẽ tiếp tục tái diễn nếu bố mẹ khuất phục sớm! Còn về hành vi ăn táo không cần trả tiền như trên thì chẳng khác nào là "ăn cắp vặt". Thế mới biết thói quen và hành vi của cha mẹ ảnh hưởng đến bé rất nhiều. Sau này lớn lên, cái bé lấy không đơn giản là 1 trái táo!
Một trường hợp khác trong công viên, mình thấy một nhóm bé ngồi chơi với nhau, xung quanh có cha mẹ ngồi trông. Trong khi cha mẹ chúng huyên thuyên đủ điều thì các bé vô tư xả các loại vỏ trái cây, bao bánh mì ra bãi cỏ. Khi ra về, không ai thèm đoái hoài đến cái mớ hỗn độn do các bé để lại. Một số phụ huynh còn tiện tay ném thêm vài lon CoCa đã bị bóp méo. Có lẽ họ nghĩ: "chuyện dọn dẹp là của nhân viên vệ sinh". Người lớn làm vậy thì sao trách được việc trẻ con bắt chước. Người ta cứ hay hô hào phải giữ gìn vệ sinh, phải bỏ rác đúng nơi quy định v.v...trong khi bản thân họ thì vứt rác bừa bãi. Từ nhỏ trẻ đã không được giáo dục hành vi ứng xử nơi công cộng thì sau này lớn lên sẽ càng coi thường luật lệ, nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp luật, hậu quả thật khó lường..
Nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng chiều con để không phải xấu hổ với mọi người, để bé nín khóc, để tiếp tục làm việc của mình v.v.... Chỉ có một ít phụ huynh là có sẵn tâm lí chiều bé nên bé gần như muốn gì được đó. Cả 2 thái độ trên đều không phù hợp với mục tiêu giáo dục trẻ. Cha mẹ nên phân định rõ ràng: đâu là những việc bé được làm và không được làm nơi công cộng. Bé dĩ nhiên là tài sản quý báu của cha mẹ nhưng không phải của xã hội nếu là một công dân không gương mẫu sau này và tuyệt đối không phải là "cái rốn của vũ trụ". Cô giáo dĩ nhiên không giống như người giúp việc, sẵn sàng chiều bé 100%. Nếu không giáo huấn con từ nhỏ thì khi vào lớp 1, bé sẽ quen với việc được chiều chuộng khi ở nhà mà sinh ra ngang ngược với mọi người xung quanh.