Khi thấy con xuất hiện những triệu chứng bệnh quai bị này, các mẹ tuyệt đối không được xem thường.
Ngoài ra, các loại đỗ và rau xanh chứa thành phần dinh dưỡng cao cung cấp vitamin và thành phần khoáng chất cần thiết giúp tăng cường sức đề kháng cho bé. (Ảnh minh họa)
Bệnh quai bị ở trẻ em
Quai bị (Mumps) là bệnh nhiễm trùng tuyến nước bọt do siêu vi trùng có tên Mumps, thuộc giống Rubulavirus, họ Paramyxoviridae gây ra. Mặc dù là bệnh lành tính song khả năng lây lan rất cao, đặc biệt ở trẻ nhỏ với sức đề kháng yếu.
Nguyên nhân gây bệnh quai bị
Bệnh quai bị gây nên do một loại virus thuộc Rubulavirus trong họ Paramyxoviridae. Các nguyên nhân khác gây viêm tuyến mang tai gồm virus vùi hạt cự bào (cytomegalovirus-CMV), virus á cúm type 1 và 3, virus cúm A (influenza A virus), coxsackievirus, virus ruột (enterovirus), virus gây suy giảm miễn dịch ở người (Human Immunodeficiency Virus-HIV), tụ cầu khuẩn và các Mycobacterium không gây lao khác.
Bệnh xuất hiện nhiều ở các trẻ nhỏ, trẻ lớn chưa tiêm phòng quai bị và những người trưởng thành chưa có miễn dịch quai bị, tuy nhiên tỉ lệ ở người trưởng thành rất thấp. Thời gian ủ bệnh từ 6 ngày trước khi phát hiện và đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh.
Bệnh quai bị lây lan như thế nào?
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp qua đường hô hấp, khi bệnh nhân nói, ho hoặc hắt hơi. Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ.
Vấn đề lây qua đường phân và nước tiểu hiện vẫn chưa được xác nhận dù virus quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần.
Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ nhỏ
- Trẻ mắc bệnh quai bị có cảm giác khó chịu, kém ăn, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm.
- Tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần, có thể sưng 1 hay 2 bên. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài.
- Đau ở vùng tuyến bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết, ngược với những trường hợp viêm tuyến mang tai do vi khuẩn.
- Khó nói, khó nuốt
Biến chứng của bệnh quai bị
Biến chứng thường gặp nhất là viêm màng não. Đây là biến chứng lành tính, xuất hiện khi các triệu chứng sưng vùng mang tai đang giảm dần, trẻ sẽ đau đầu nhiều hơn, nôn ói, mệt mỏi.
Nhiều phụ huynh lo lắng về biến chứng khác của bệnh là viêm tinh hoàn ở bé trai và viêm buồng trứng ở bé gái. Đây là biến chứng thường xảy ra ở tuổi dậy thì (hơn 7 tuổi). Viêm buồng trứng thường hiếm gặp hơn viêm tinh hoàn. Biến chứng xuất hiện khi triệu chứng sưng vùng mang tai đã giảm.
Ở bé trai xuất hiện tình trạng sốt cao, đau đầu nhiều và đặc biệt là đau nhiều ở vùng bìu (nơi chứa tinh hoàn), có thể một hay hai bên. Đây là biến chứng cần điều trị đúng và kịp thời để tránh di chứng vô sinh sau này. Đối với trẻ gái, biến chứng viêm buồng trứng sẽ biểu hiện đau bụng nhiều và cần được siêu âm để chẩn đoán.
Cho bé ăn gì khi bị bệnh quai bị
Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên lựa chọn thực phẩm phù hợp giúp điều trị hiệu quả bệnh quai bị cho trẻ nhỏ. Cho trẻ uống nhiều nước và ăn các loại thức ăn lỏng giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hoá như: Bột ngó sen, cháo gạo tẻ, canh trứng... để giúp cơ thể có dễ hấp thu dinh dưỡng.
Các mẹ cần lưu ý, không cho trẻ ăn đồ chua, cay hoặc thực phẩm có chất kích thích. Các loại thực phẩm này khiến tuyến nước bọt phân tiết làm quai bị sưng to khiến trẻ gặp biến chứng khó lường.