Do nhiều nguyên nhân, bệnh tiêu chảy ở trẻ em gia tăng từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, khi nào nên đưa trẻ nhập viện, phòng bệnh cho trẻ như thế nào...? Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết - Trưởng khoa Tiêu hóa - gan mật Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết:
- Có một số nguyên nhân khiến bệnh tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa ở trẻ em gia tăng: Thông thường, hằng năm loại bệnh này phát triển vào dịp cuối năm cũ và đầu năm mới (tháng 12, tháng 1, tháng 2). Dịp cuối năm, thời tiết lạnh, bệnh tiêu chảy xảy ra nhiều là do siêu vi; ngoài ra, dịp cuối năm có nhiều đám tiệc, tần suất ăn uống nhiều; riêng ở thời điểm sau Tết, thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn mau ôi thiu, là điều kiện thuận lợi để vi trùng gây bệnh đường ruột phát triển.
Đặc biệt, thời điểm sau Tết Nguyên đán, bệnh tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa gia tăng còn do ăn nhiều thức ăn dự trữ. Do đặc điểm người dân hay mua thức ăn trữ lạnh trong dịp Tết, sau khi nấu nướng, hâm tới hâm lui để dùng (đây là yếu tố rất hay gặp) khiến dễ mắc bệnh tiêu chảy! Ngoài ra, đây cũng là dịp người ta ăn hàng quán nhiều.
* Đặc điểm của trẻ bị tiêu chảy, lúc nào nên đưa trẻ vào viện?
- Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết: Những triệu chứng thường gặp ở trẻ mắc bệnh tiêu chảy gồm: sốt, đau bụng, ói, tiêu chảy. Nếu mắc bệnh nhẹ, không mất nước, không sốt cao, trẻ ăn uống bình thường, chưa phải nhập viện thì cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, dùng những thức ăn dễ tiêu hóa, chia làm nhiều bữa ăn, và nhớ bù nước cho trẻ bằng dung dịch nước biển khô (có bán sẵn ở các nhà thuốc).
Nếu trẻ sốt cao, bỏ ăn, ăn vào ói ra, tiêu chảy nhiều... thì phải đưa trẻ vào viện ngay bởi biến chứng do tiêu chảy ở trẻ nhỏ rất nguy hiểm, trẻ mất nước nặng sẽ bị trụy tim mạch, sốc, có thể tử vong. Khi nhập viện, nếu bệnh nhẹ, bình quân điều trị khoảng 4 ngày. Nếu nặng, có nhiễm trùng kèm theo thì thời gian nằm viện lâu hơn.
Để phòng ngừa, cần giữ vệ sinh trong ăn uống và vệ sinh cá nhân cho trẻ. Nên dùng những thức ăn tươi, nấu chín; hạn chế thức ăn hàng quán, lề đường không đảm bảo vệ sinh; thường xuyên vệ sinh tủ lạnh trữ thức ăn; cho trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi tiêu...
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian và bài thuốc cổ phương sau đây sẽ có công dụng trị chứng tiêu chảy ở trẻ.
|
Hoài sơn |
* Theo kinh nghiệm dân gian
+ Mã đề, lá mơ tam thể, búp ổi, tô mộc, củ sắn dây...
+ Nếu tiêu chảy do nguyên nhân ăn, bú thất thường, tỳ vị suy yếu thì dùng các vị như: mề gà (sao vàng), các vị thuốc: sơn tra, chỉ thực, thần khúc, sa nhơn (sao vàng), trần bì, hoàng đằng, hậu phác (sao gừng).
+ Nếu thể trạng suy nhược, thì dùng các vị: hạt sen, hoài sơn, bột thịt cóc, bố chính sâm, ý dĩ (sao vàng), và liên nhục.
Mỗi loại trên dùng từ 10gr - 20gr, chọn từ 2 - 3 vị để hợp lại thành một thang, đem sắc uống, sẽ có công dụng thanh nhiệt, ôn kiện tỳ thận...
|
Bạch phục linh |
* Bài thuốc cổ phương
+ Bài thuốc Bảo hòa hoàn: Thành phần gồm: sơn tra, thần khúc, liên kiều, la bặc tử (mỗi vị 100gr), trần bì, bán hạ (mỗi vị 60gr) và 160gr phục linh. Tất cả đem sắc để dùng, có công dụng trị các chứng: cơn đau bụng là đi tiêu ngay, nhưng sau khi tiêu rồi thì bụng hết đau, bụng hông đầy chướng...
+ Bài Dị công hoàn: Thành phần gồm các vị thuốc: 20gr phòng đảng sâm, bạch truật (sao với gạo), 20gr bạch phục linh, 6gr chích cam thảo, 6gr trần bì (sao với gừng), 4 lát gừng, 4 quả đại táo. Tất cả đem sắc uống từ từ, sẽ có công dụng tỳ hư tiết tả, dùng để trị các chứng: ăn xong đi tiêu liền phân sống, môi lưỡi nhạt, ăn kém...
Điểm cần lưu ý là phải giữ vệ sinh trong ăn uống cho trẻ, nên ăn chín, uống sôi, dùng những thức ăn dễ tiêu hóa; đồng thời khi thấy trẻ có dấu hiệu tiêu chảy nặng cần đưa trẻ đi khám ngay, vì bệnh diễn biến rất nhanh...
Tác giả: admin