Theo bác sĩ Lê Thị Hải, uống nhiều nước ngọt có ga không chỉ gây viêm dạ dày, rối loạn chuyển hoá, có thể dẫn đến các bệnh lý tim mạch, ung thư...
Nước ngọt có ga không bổ béo gì
Theo Chỉ thị 46/CT-TTg ngày 21/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, triển khai chương trình sữa học đường; tăng cường vận động thể lực cho trẻ em, học sinh.
Đặc biệt, chỉ thị mới được Thủ tướng nêu rõ: “Không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học”.
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bác sĩ Lê Thị Hải - Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng - Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nước ngọt có ga có những tác động mà những phụ huynh không ngờ tới đối với sức khỏe của con em mình.
Theo bác sĩ Hải, đồ uống đóng chai, nước ngọt có ga đều không có giá trị dinh dưỡng.
Các loại đường trong nước chủ yếu là đường rỗng, giúp con người có cảm giác hồi tỉnh khi mệt mỏi nhưng lại không tốt cho sức khoẻ đặc biệt đối với trẻ em.
Hàm lượng đường, cafein trong nước ngọt có ga không rõ ràng và các chất tạo màu, tạo chua, tạo ga được thêm vào chính là tác nhân gây nên ảnh hưởng bất lợi của loại đồ uống này đối với cơ thể.
Không chỉ gây viêm dạ dày mà nguy cơ béo phì, rối loạn chuyển hoá có thể dẫn đến các bệnh lý tim mạch, ung thư trong tương lai.
Ngoài ra lượng đường cao được hấp thụ qua việc uống nước ngọt có ga là tác nhân gây lão hóa cơ thể, tốc độ lão hóa tương đương với tác hại gây ra do hút thuốc lá.
Có thể gây nên các căn bệnh về thận, đe dọa sức khỏe răng miệng, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài ra hàm lượng photpho cao trong các loại nước ngọt có ga làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu làm trẻ bị còi xương ,chậm lớn ảnh hưởng đến phát triển chiều cao của trẻ nhất là lứa tuổi tiền dậy, dậy thì chính là học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Còn đối với trẻ nhỏ hơn ở lứa tuổi mẫu giáo thì gây tình trạng biếng ăn dẫn đến suy dinh dưỡng, với một số trẻ khác gây tình trạng thừa cân – béo phì.
Độc hại nhất trong nước ngọt có ga là đường và các thành phần phi tự nhiên mà nhà sản xuất cho vào. Khi làm ra loại đồ uống này, người ta phải pha chế rất nhiều thứ không phải là chất tự nhiên vào đó. Các chất này chắc chắn không có lợi cho sức khoẻ.
Nên nước ngọt có ga không bổ béo gì, sử dụng nhiều vừa tốn tiền, vừa ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hải - Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng - Viện dinh dưỡng Quốc gia. (Ảnh: NVCC)
Cũng theo bác sĩ Lê Thị Hải, nước ngọt có ga được quảng cáo là thức uống bổ dưỡng, khi mệt mỏi uống vào sẽ khoẻ hơn, cảm giác kích thích ngon miệng đặc biệt là một số loại nước tăng lực.
Bản chất của ga trong nước uống chính là CO2, có tác dụng bảo vệ cho nước không bị vi sinh vật phát triển, ức chế hoạt động của chúng với tư cách như một chất bảo quản. Khi đi vào cơ thể, nước có ga sẽ làm nhiệt trong người thoát ra, đẩy ra cuống họng, kích thích vị giác, làm tăng khẩu vị và cảm giác thèm ăn của người uống.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hải, khi lượng đường quá lớn đi vào cơ thể khiến hàm lượng insulin trong cơ thể "bùng nổ" để kịp thời phản ứng với lượng đường khổng lồ này và nhanh chóng biến đường thành chất béo.
Đây là lý do khi thường xuyên uống nước ngọt có ga sẽ khiến trẻ bị tăng cân, béo phì. Đường từ nước ngọt sẽ tiếp tục được chuyển hóa thành chất béo, đi vào máu.
Đặc biệt do tác dụng của chất kích thích caffeine trong nước ngọt có ga kích thích hệ thần kinh trung ương khiến trẻ có cảm giác tỉnh táo và không buồn ngủ.
Nhưng chỉ một giờ sau chuyển hoá trong cơ thể, các chất bị đào thải qua đường tiểu người sử dụng lại tiếp tục cảm giác mệt mỏi và lại muốn uống thêm. Cứ như thế dẫn đến các yếu tố có hại cho sức khoẻ.
Với những nguy cơ như vậy, bác sĩ Hải khuyến cáo, uống nước ngọt có ga hằng ngày, đặc biệt là trẻ em, vừa tốn tiền vừa không mang lại dinh dưỡng nào cho cơ thể.
Đó là chưa kể đến nguy cơ có những chất lạ mà nhà sản xuất đưa vào chúng ta không thể biết.
Ngay cả đường hóa học cho vào nước ngọt cũng có thể không sạch, độ tin cậy của những sản phẩm này là thấp. Và ở góc độ nào đó, nạp quá nhiều đường vào cơ thể thì đương nhiên lão hóa nhanh hơn.
Nước ngọt có ga đơn giản chỉ là làm tăng vị giác, như một hình thức đưa nước vào cơ thể khiến người uống cốc nước đó không nhàm chán, có thể uống nhiều, uống hằng ngày được.
Vị và mùi dễ chịu nên nó "đánh lừa cảm giác. Nếu trẻ em có sở thích uống nước ngọt có ga hằng ngày là thói quen xấu cho sức khoẻ mà cha mẹ cần phải chấn chỉnh con cái, tránh bị những loại nước ngọt này đánh lừa giác quan, gây hại cho sức khoẻ.
Học sinh uống nước ngọt có ga cao gấp 3 lần cho phép khiến nhiều em bị béo phì, đái tháo đường (Ảnh minh họa: Giaoduc.edu.vn)
Hãy dạy trẻ tự từ bỏ nước ngọt có ga
Để giảm thiểu việc trẻ em ham mê nước ngọt có ga, Bác sĩ Hải đưa ra lời khuyên với các vị phụ huynh: "Trước hết các bậc phụ huynh cần giải thích cho con hiểu rõ những tác hại của loại nước uống này, nhất là phải cho trẻ biết nước ngọt có ga gây hại, không bổ sung dưỡng chất gì cả khiến cho trẻ bị lùn. Trẻ rất không thích và sợ bị lùn.
Các bậc cha mẹ cũng chỉ cho con biết nước ngọt có ga còn gây nhiều bệnh lý nguy hiểm khác, khi đã hiểu rõ tác hại thì trẻ sẽ tự giác không uống nữa."
Bác sĩ Hải cho rằng: "Các bậc phụ huynh không nên chiều theo sở thích của trẻ ngay từ khi trẻ còn nhỏ, nếu cha mẹ, ông bà không mua cho trẻ uống thì trẻ sẽ không có thói quen này.
Thay vì uống nước ngọt có ga, nước ngọt đóng chai, bác sĩ Hải đưa ra lời khuyên với các bậc phụ huynh: "Cần thay thế các loại nước uống bổ dưỡng khác cho trẻ mang tới trường như nước ép trái cây không đường, sữa tươi không đường, sữa đậu nành không đường, những thức uống này cũng có tác dụng làm trẻ tỉnh táo, chống khát nước mà lại cung cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, cần thiết và tốt cho sức khỏe của trẻ.
Bên cạnh đó các căng tin của nhà trường cũng không nên bày bán các loại nước uống này, đừng vì một chút lợi nhuận mà làm tổn hại đến sức khỏe trẻ em.
Ngoài lời khuyên của cha mẹ thì lời khuyên của các thầy cô giáo còn có tác dụng hơn nhiều, cho nên sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường sẽ có tác động rất lớn thay đổi thói quen không lành mạnh ở trẻ".