Mặc dù nước ta đã đạt được những thành tựu về phòng chống suy dinh dưỡng, nhưng tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn ở mức cao và có sự khác biệt giữa các vùng miền, nhất là suy dinh dưỡng thể thấp còi với tỉ lệ 24,6% được ghi nhận vào năm 2015...
Hiện nay chiều cao trung bình của người Việt Nam vẫn còn thấp so một số nước khác trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em, đặc biệt là trong 3 năm đầu đời sẽ có nguy cơ thấp hơn chiều cao tối đa của chính họ khoảng 10cm khi trưởng thành. Thực tế vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời. Sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng phổ biến nhất và có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ em là các chất sắt, kẽm, vitamin A, i-ốt, canxi và vitamin D. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em hiện nay vẫn còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Kết quả tổng điều tra vi chất dinh dưỡng toàn quốc năm 2014 - 2015 ghi nhận phụ nữ mang thai thiếu máu 32,8%, thiếu kẽm 63,6%; phụ nữ tuổi sinh đẻ thiếu máu 27,8%, thiếu kẽm 80,3%; trẻ em dưới 5 tuổi thiếu máu 25,5%, thiếu kẽm 69,4%; tỉ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em là 13,0%...
Ảnh minh họa
Biện pháp giảm suy dinh dưỡng thấp còi
Để thực hiện các mục tiêu giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, cần có những hoạt động cụ thể bao gồm: củng cố và nâng cao năng lực, hỗ trợ điều kiện cho mạng lưới hoạt động; theo dõi sự tăng trưởng, phát triển và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi; bổ sung vitamin A, viên sắt hay viên đa vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng nguy cơ; điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng và hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ suy dinh dưỡng vùng mất an ninh lương thực; truyền thông thay đổi hành vi phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi; bảo đảm an ninh lương thực trong hộ gia đình; theo dõi và giám sát việc thực hiện.
Củng cố và nâng cao năng lực, hỗ trợ điều kiện cho mạng lưới hoạt động: thực hiện bằng việc tập huấn chuyên môn dinh dưỡng ở các tuyến từ tỉnh, thành phố thuộc trung ương đến y tế thôn bản, cộng tác viên, cán bộ liên ngành với những nội dung cần thiết như: cập nhật chuyên môn dinh dưỡng, phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi, bổ sung đa vi chất, truyền thông giáo dục dinh dưỡng, giám sát, theo dõi thực hiện chương trình... với loại hình đào tạo tùy theo nhu cầu thực tế của từng địa phương. Nhân viên chuyên trách dinh dưỡng ở tuyến tỉnh, thành phố thuộc trung ương sau khi được tập huấn chuyên môn sẽ là giảng viên đào tạo, tập huấn cho nhân viên mạng lưới tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn và y tế thôn bản, cộng tác viên y tế. Nhân viên chuyên trách dinh dưỡng tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố sẽ hỗ trợ, phối hợp tập huấn cho nhân viên tuyến xã, phường, thị trấn, y tế thôn bản và cộng tác viên y tế, đồng thời thực hiện các hoạt động dinh dưỡng tại cộng đồng. Ngoài ra, cán bộ các ngành như phụ nữ, thanh niên, giáo viên... cũng cần được tập huấn chuyên môn để phối hợp triển khai các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi.
Bổ sung vitamin A, viên sắt hay viên đa vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng nguy cơ
Theo dõi sự tăng trưởng, phát triển và tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi: trạm y tế, y tế thôn bản và cộng tác viên y tế được cấp cân, thước đo chiều cao, thước đo vòng cánh tay. Bà mẹ có con dưới 2 tuổi được cấp biểu đồ tăng trưởng và được hướng dẫn sử dụng biểu đồ để theo dõi sự tăng trưởng của trẻ. Tất cả trẻ sơ sinh phải được theo dõi cân nặng; những trường hợp sản phụ không sinh con tại trạm y tế mà sinh tại bệnh viện, trung tâm y tế hay tại nhà... thì trạm y tế phải tổng hợp cân nặng sơ sinh của trẻ. Để theo dõi sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em dưới 5 tuổi, tất cả trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân, gầy còm phải đo cân nặng, chiều cao và chu vi vòng cánh tay hàng tháng; đối với những trẻ dưới 2 tuổi không suy dinh dưỡng được theo dõi tình trạng dinh dưỡng hàng quý mỗi 3 tháng một lần và trẻ từ 2 tuổi đến dưới 5 tuổi không bị suy dinh dưỡng sẽ được cân đo 6 tháng một lần. Xác định tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi sẽ căn cứ vào bảng phân loại tình trạng dinh dưỡng dành cho trẻ từ 0 - 5 tuổi của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2006; tỉ lệ suy dinh dưỡng của xã, phường, thị trấn được xác định dựa trên kết quả cân đo theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ, việc xác định nên thống nhất tại một thời điểm cho toàn tỉnh, thành phố để bảo đảm tính thống nhất của số liệu.
Suy dinh dưỡng trong 3 năm đầu đời sẽ có nguy cơ thấp hơn chiều cao tối đa của chính họ khoảng 10cm khi trưởng thành |
Bổ sung vitamin A, viên sắt hay viên đa vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng nguy cơ: vitamin A liều cao cần bổ sung cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi 2 lần mỗi năm; những xã, phường, thị trấn khó khăn sẽ mở rộng bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi và trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi được tẩy giun định kỳ 2 lần mỗi năm vào tháng 6 và tháng 12 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tất cả phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng được bổ sung một liều vitamin A liều cao duy nhất. Viên sắt hay viên đa vi chất nên được bổ sung cho phụ nữ mang thai hàng ngày từ khi phát hiện mang thai cho đến 1 tháng sau khi sinh; đồng thời phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ từ 18 - 35 cũng cần cấp phát viên sắt hay viên đa vi chất hàng tuần. Ngoài ra, viên đa vi chất dinh dưỡng dành cho trẻ em cần bổ sung cho trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nhẹ, có nguy cơ bị suy dinh dưỡng hoặc thuộc gia đình đặc biệt khó khăn.
Điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng và hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ suy dinh dưỡng vùng mất an ninh lương thực: trẻ em dưới 5 tuổi cần được sàng lọc để phát hiện suy dinh dưỡng cấp tính vào các đợt cân trẻ theo định kỳ. Những trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng sẽ được cung cấp gói điều trị theo quy định đối với trẻ em từ 0 - 72 tháng tuổi. Các đối tượng là phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ bị suy dinh dưỡng tại vùng thiên thai, vùng mất an ninh lương thực được cung cấp sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng; việc thực hiện các hỗ trợ dinh dưỡng phụ thuộc vào tình hình ảnh hưởng cụ thể của thiên tai và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Truyền thông thay đổi hành vi phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi: thực hiện bằng cách cung cấp tài liệu chuyên môn, tài liệu truyền thông giáo dục phòng chống thấp còi để tuyên truyền và tư vấn phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi; phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và bà mẹ có con dưới 2 tuổi được cấp tài liệu truyền thông hướng dẫn chế độ ăn và phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi. Tổ chức chiến dịch truyền thông giáo dục dinh dưỡng trong dịp lễ phát động Ngày vi chất dinh dưỡng 1 - 2 tháng 6, lồng ghép truyền thông giáo dục phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi trong Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển 16 - 23 tháng 10; tuyên truyền lợi ích của sữa mẹ, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ bú sớm, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho bú kéo dài đến 24 tháng tuổi; đồng thời có thể triển khai truyền thông lồng ghép trong các chiến dịch khác. Tăng cường các hoạt động truyền thông trực tiếp với các buổi truyền thông nhóm và thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, bà mẹ có con dưới 2 tuổi và bà mẹ có con dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đặc biệt là thể thấp còi; đẩy mạnh tư vấn phục hồi dinh dưỡng, duy trì và phát triển hệ thống tư vấn dinh dưỡng tại cộng đồng; xây dựng các câu lạc bộ gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng, tổ chức các hội thi tuyên truyền về phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi; xây dựng các mô hình phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi đặc thù cho vùng miền. Tuyên truyền phòng chống suy dinh dưỡng trên các phương tiện thông tin đại chúng như xây dựng các chương trình, phóng sự, thông điệp truyền thông trên hệ thống đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương; xây dựng các tin, bài tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của các thôn, tổ, xã, phường, thị trấn; xây dựng các panô, áp phích cỡ lớn treo tại các nơi công cộng, chỗ đông người.
Lựa chọn ưu tiên nguồn lực can thiệp biện pháp
Để bảo đảm nguồn lực trong triển khai thực hiện phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đạt được hiệu quả tốt, việc phân loại cấp độ ưu tiên cho các biện pháp can thiệp rất cần thiết. Xã, phường, thị trấn được xếp ưu tiên nhóm A khi có tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi trên 30%; xếp nhóm B khi tỉ lệ này chiếm từ 20 - 30% và xếp nhóm C khi tỉ lệ này chiếm ở mức dưới 20%.
Tất cả trẻ sơ sinh phải được theo dõi cân nặng
Đối với nhóm A và B: can thiệp toàn diện lên tất cả nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em; ưu tiên kiện toàn và nâng cao chất lượng mạng lưới nhất là đội ngũ y tế thôn bản, cộng tác viên y tế; tăng cường truyền thông giáo dục dinh dưỡng, bổ sung vitamin A và đa vi chất, điều trị suy dinh dưỡng cấp tính...; ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của trung ương và địa phương, phối hợp sử dụng nguồn ngân sách khác nếu có.
Đối với nhóm C: thực hiện các can thiệp tập trung vào phụ nữ ở giai đoạn trước và sau khi mang thai; ưu tiên các hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng, bổ sung vitamin A, hướng dẫn bổ sung đa vi chất, điều trị suy dinh dưỡng cấp tính...; ngân sách thực hiện được sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của trung ương và địa phương hỗ trợ cho các hoạt động thiết yếu, duy trì mạng lưới, ngân sách còn lại sẽ huy động từ nguồn xã hội hóa; trong trường hợp nguồn kinh phí huy động đủ thì có thể thực hiện các hoạt động can thiệp theo nhóm A và B.
BS. NGUYỄN TRÂM ANH