Thời tiết chuyển mùa không chỉ khiến cuộc sống người dân đảo lộn mà còn là nỗi sợ với gia đình có con nhỏ. Từ đầu năm đến nay, bệnh nhi mắc sởi, thủy đậu, cúm… liên tục nhập viện khám và điều trị. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đã có một trường hợp tử vong do sởi.
Lành tính nhưng không được chủ quan
Số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, từ đầu năm đến nay, khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị cho gần 100 bệnh nhi mắc sởi, thủy đậu. Bệnh nhi đến từ các tỉnh khu vực phía Bắc, trường hợp nhỏ tuổi nhất mới được 2 tháng tuổi. Số còn lại từ 3 - 5 tuổi.
Bệnh viện Nhi Trung ương cũng là nơi ghi nhận trường hợp tử vong do sởi đầu tiên. Tương tự, tại Bệnh viện Xanh pôn và Bạch Mai, số trẻ được gia đình đưa đến khám, điều trị do dịch bệnh cũng có chiều hướng gia tăng.
Ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, từ đầu tháng 3 đến nay, trung bình mỗi tuần có 3 - 6 ca mắc sởi, nâng tổng số ca mắc lên gần 30 trường hợp. Ngoài ra, một số trẻ còn mắc cúm (hơn 2.000 ca), sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Cho đến thời điểm này, sởi cũng như nhiều bệnh truyền nhiễm khác vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, điều khiến bác sĩ lo lắng là người dân vẫn có tâm lý chủ quan với dịch bệnh.
Phần lớn người nhà được hỏi đều cho rằng, sởi và thủy đậu là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 1 - 2 tuần. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Về lý thuyết, sởi, thủy đậu hay cúm đều là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau một vài tuần.
Tuy nhiên, bệnh cũng trở nên nguy hiểm với người có nền bệnh mãn tính, mắc bệnh kèm theo như viêm phổi. Thậm chí có trường hợp khỏe mạnh nhưng khi nhiễm virus gây cúm, sởi, thủy đậu cũng để lại biến chứng nặng ở phổi, phế quản, tai giữa, thậm chí là não, tim.
Do vậy, dù là lành tính nhưng không vì thế được chủ quan. Khi trẻ mắc bệnh cần phải được bác sĩ chẩn đoán, chỉ định phác đồ điều trị và theo dõi diễn biến cho đến khi phục hồi sức khỏe. Cũng theo ông Cảm, bằng chứng thời gian qua cho thấy, nhiều bệnh nhân, thậm chí cả người lớn bị biến chứng nặng do cúm, sởi hay thủy đậu.
Chu kỳ bệnh đang ngắn dần
Nếu như trước đây, chu kỳ của mỗi dịch bệnh thường kéo dài từ 9 - 10 năm. Nhưng gần đây, dịch bệnh đang có xu hướng rút ngắn khoảng cách bùng phát.
Ở Hà Nội, dịch sởi bùng phát năm 2014, bắt đầu từ ca bệnh lẻ tẻ, rải rác sau bùng phát thành dịch khiến hơn 100 trẻ tử vong. Từ vụ dịch trên, ngành y tế giật mình nhận ra phần lớn trẻ mắc bệnh do chưa được tiêm phòng hoặc tiêm không đủ mũi.
“Khoảng trống” trong tiêm chủng ngay sau đó được lấp đầy bằng cách tiêm bổ sung cho trẻ trong độ tuổi và lớn hơn. Tăng tần suất tiêm chủng tại các trạm y tế từ 1 lần/tháng lên 4 lần/tháng để những trẻ đến lịch tiêm nhưng bị ốm sẽ được tiêm bổ sung ngay khi khỏi bệnh.
Tại các bệnh viện, Bộ Y tế cũng chỉ đạo tổ chức tiêm chủng cho trẻ khi đủ sức khỏe để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm chéo, biến bệnh viện thành ổ dịch như vụ sởi năm 2014. Nỗ lực là vậy nhưng ngay tại Hà Nội, tích lũy từ năm 2012 đến nay vẫn còn hơn 32.000 trẻ chưa tiêm phòng vắc xin sởi.
Bên cạnh sởi, hai bệnh dịch khác cũng có xu hướng bùng phát trở lại và lấy đi sinh mạng của nhiều bé do chưa được chích ngừa là ho gà và viêm gan B. Thống kê của dự án Tiêm chủng mở rộng, năm 2016, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 98%.
Như vậy, còn 2% trẻ chưa được tiêm phòng. Tích lũy qua nhiều năm, con số trên lên tới 550.000 trẻ chưa được tiếp cận với vắc xin viêm gan B liều sơ sinh, 62.000 trẻ chưa được tiêm chủng đủ 3 mũi phòng bạch hầu - ho gà và uốn ván.
Tính chung trên toàn quốc thì vậy, nếu tính riêng vẫn còn tỉnh tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi mới đạt trên 60%. Theo TS Trần Như Dương, Phó trưởng ban Quản lý dự án tiêm chủng mở rộng khu vực phía Bắc, 9 tháng đầu năm 2017, có 11 địa phương chưa đạt chỉ tiêu tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi.
Điển hình như Thái Nguyên, Ninh Bình (64,3%), Tuyên Quang (63,6%). Trong những tỉnh trên, 17 huyện có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất như Tân Lạc (Hòa Bình) mới đạt 42%, Lý Nhân (Hà Nam) đạt 48%...
Việc vẫn còn trẻ chưa được tiêm chủng, tiêm không đủ mũi tích lũy trong nhiều năm trở thành con số không nhỏ. Đây là những con số biết nói bởi đằng sau đó là dịch bệnh xuất hiện, lây lan trong cộng đồng, tấn công trẻ nhỏ. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Với địa hình rộng, dân cư đông lại tập trung nhiều bệnh viện tuyến cuối nên ngay từ đầu năm, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó với dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, ngoài việc khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm phòng, đến cơ sở y tế khi nghi ngờ mắc bệnh, Hà Nội đã chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn với mục tiêu phát hiện sớm ca bệnh, khống chế kịp thời, không để lây lan, bùng phát thành ổ dịch lớn.