Ngày nay, không ít các bậc cha mẹ vẫn dạy con theo nguyên tắc “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” với quan niệm nếu cha mẹ không “nghiêm khắc”, con cái sẽ khó “nên người”. “Nghiêm khắc” ở đây thường được hiểu là dùng “đòn roi” để con cái nghe theo và không dám làm khác ý cha mẹ. Không ít các bậc cha mẹ “khoe” rằng, con ở nhà rất “sợ” mình và coi đây là biểu hiện của sự thành công trong việc dạy con. Không chỉ cha mẹ mà cả những người lớn khác trong gia đình như ông bà, chú bác…cũng có thể dùng đòn roi để “dạy” trẻ. Có vẻ như, “đòn roi” là phương pháp được thừa nhận khá rộng rãi trong “giáo án dạy trẻ” của người Việt Nam.
Nhiều phụ huynh tuy không dùng đòn roi, nhưng lại áp dụng các biện pháp trừng phạt “nghiêm khắc” như: nhốt trong phòng tối, nhà vệ sinh, bắt quỳ gối, dùng dây xích chân tay…; dùng những lời nói mắng chửi, sỉ vả, mạt sát, đay nghiến nặng nề…với suy nghĩ những gì họ đang làm đối với con đều xuất phát từ tình yêu thương và mong muốn con nên người, đồng thời không ý thức được rằng tất cả những hành động làm tổn thương đến thể chất, tinh thần hoặc tâm lý của con cái đều được coi là những hình thức “bạo hành”.
“Ngọt bùi”, “yêu thương” hay “mong muốn con nên người” chỉ là những bao biện cho các hành động bạo hành đối với con. Trên thực tế, việc dạy con bằng bạo lực dưới bất cứ hình thức nào đều gây nên những hậu quả nghiêm trọng về lâu dài đối với con cái:
- Trẻ bị bạo hành sẽ chịu những tổn thương về thân thể và tinh thần. Nhiều đứa trẻ bị sang chấn tâm lý cả đời nếu tình trạng bạo hành năng nề kéo dài.
- Trẻ em là nạn nhân của bạo hành gia đình dễ trở thành nạn nhân của bạo hành và lạm dụng vì vốn đã được dạy phải “nghe lời người lớn”.
- Phần lớn trẻ em bị cha mẹ bạo hành sẽ có khái niệm sai lệch về trách nhiệm dạy dỗ con cái sau này vì quan điểm “roi vọt chính là yêu thương”.
- Bạo hành khiến cho con cái trở nên chai lì trước đòn roi và luôn căm hận chống đối cha mẹ.
- Những đứa trẻ bị bạo hành sẽ càng lúc càng có kinh nghiệm trong việc nói dối và đóng vai “con ngoan trò giỏi” để qua mặt bố mẹ. Và khi hậu quả tồi tệ xảy ra, cha mẹ chúng luôn là người biết sau cùng.
- Việc trừng phạt con thật nặng mà không giải thích rõ ràng sẽ biến con cái chúng ta trở thành những người sợ hình phạt nhưng coi thường pháp luật. Không phạm pháp hoặc lách luật không phải vì hiểu được tính nghiêm trọng của hành vi của mình làm mà vì sợ án phạt.
- Hầu hết hững thành phần tội phạm nguy hiểm trong xã hội đều từng là những đứa trẻ bị bạo hành và ngược đãi trong gia đình.
Một phụ huynh thương yêu con sẽ không bao giờ dùng bạo lực để dạy dỗ con cái. “Roi vọt” đồng nghĩa với “bạo lực”, với “đau đớn”. “Roi vọt” chưa bao giờ là biểu hiện của “tình yêu thương”.