Trả lời:
Khi thời tiết chuyển mùa, sức đề kháng của con người giảm là môi trường thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây cúm phát triển. Triệu chứng phổ biến là đau, vướng họng khi nuốt; sốt, khàn tiếng, ho, sổ mũi do bị kích ứng ở đường hô hấp trên.
Để phòng viêm họng, giữ ấm là điều quan trọng nhất, đặc biệt là trẻ sơ sinh, bé dưới 12 tháng hoặc mắc bệnh lý mạn tính. Khi ra đường, bé cần mặc ấm, choàng khăn, đeo khăn tay, tất để, tránh mặc quá dày, quá nhiều lớp khiến trẻ toát nhiều mồ hôi dẫn đến giảm thân nhiệt hoặc khó thở. Không nên dùng tinh dầu thoa lên da trẻ để phòng bệnh hô hấp do làn da trẻ rất nhạy cảm, có thể bị rộp, kích ứng, dị ứng. Tuyệt đối không đốt lửa, sưởi ấm cho trẻ bằng than tổ ong dẫn đến ngạt khí CO, thậm chí tử vong.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, đủ chất bao gồm các thực phẩm chứa nhiều tinh bột, giàu protein, chất béo từ các loại hạt, đậu, trứng, cá, thịt lợn nạc, thịt gà, thịt bò, sữa ít chất béo, rau quả tươi... Uống đủ nước, hạn chế chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, đồ ăn cay nóng.
Tăng cường vận động, tập thể dục để tăng cường sức đề kháng và trao đổi chất, phòng tránh bệnh tật. Nên tập ngoài trời nơi có nắng và mái che. Hạn chế tập sáng sớm dễ dẫn đến đột quỵ ở người cao tuổi, có bệnh nền.
Khi đi đường, nên đeo khẩu trang, giữ ấm vùng cổ họng vào mùa đông. Đối với trẻ nhỏ cần tiêm ngừa vaccine phòng cúm đầy đủ. Nếu có các triệu chứng co giật, ngủ li bì, nôn ói, lơ ăn, sốt cao trên ba ngày nên đưa đến viện.
Trường hợp đã mắc bệnh, bạn nên uống nhiều nước, súc miệng bằng nước muối sinh lý, ngậm thuốc để giảm đau và ngứa họng. Có thể tham khảo các bài thuốc từ thiên nhiên như mật ong, cam thảo để giảm dần triệu chứng viêm họng. Tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ, không tự ý uống thuốc dẫn đến kháng thuốc và tác dụng phụ. Nếu tuân thủ đầy đủ, bệnh có thể tự khỏi sau ba đến năm ngày.
Tác giả: Bác sĩ Cao Minh Thành- Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội