1. Vì sao trẻ cần được dạy làm việc nhà từ lứa tuổi Mầm non?
Khi được dạy làm việc nhà, các con sẽ:
• Phát huy tính tự lập, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian tốt hơn.
• Xây dựng lòng tự trọng, tự tin vào khả năng của mình, đặc biệt khi con hoàn thành nhiệm vụ và được cha mẹ ghi nhận, động viên và khích lệ.
• Cảm thấy mình là một phần của gia đình, hiểu được rằng việc giúp đỡ các thành viên khác trong gia đình là một việc làm tốt, và những đóng góp của mình dù là nhỏ cũng rất có ý nghĩa và quan trọng.
Trẻ được giao việc nhà phù hợp với khả năng từ nhỏ có xu hướng thể hiện hành vi xã hội tích cực hơn, có sự hài lòng hơn trong cuộc sống và có mối quan hệ tốt hơn với mọi người. Trẻ cũng sẽ hiểu rằng việc nhà không phải là công việc của chỉ một người nhất định, hay chỉ là việc của phụ nữ, mà là trách nhiệm và đóng góp chung của tất cả các thành viên trong gia đình.
2. Chọn công việc phù hợp với lứa tuổi của trẻ
Cha mẹ cần lựa chọn việc nhà phù hợp với lứa tuổi, với khả năng cũng như sự sẵn sàng của mỗi trẻ. Điều này là vô cùng quan trọng và đáng lưu tâm. Nếu được giao những công việc quá sức hoặc quá, trẻ sẽ nhanh chóng bỏ cuộc, chán nản, thậm chí bực bội và căng thẳng.
Gợi ý việc nhà dành cho trẻ dưới 3 tuổi:
Trẻ dưới 3 tuổi rất thích giúp cha mẹ làm việc nhà, nhưng tất nhiên những việc con có thể làm được còn rất hạn chế. Cha mẹ cũng cần dành thời gian và sự kiên nhẫn để hướng dẫn con từng bước một. Điều quan trọng ở lứa tuổi này là hình thành được những thói quen tích cực đầu tiên, làm bước đệm cho sau này.
• Những việc nhà đơn giản: Trẻ có thể tham gia việc nhà kể từ khi bắt đầu hiểu và làm theo hướng dẫn của người lớn. Ví dụ như trẻ từ 1-2 tuổi có thể tuân theo những “Chỉ dẫn 1 bước” như là “Để đồ chơi vào rổ”. Cha mẹ có thể làm mẫu và nhờ con làm những việc như:
- Dọn dẹp đồ chơi và bỏ đồ chơi vào hộp
- Mang bát đĩa ăn của con vào bồn rửa bát sau khi ăn xong
- Thu gom quần áo của con để vào giỏ giặt
• Kỹ năng lau rửa: Trẻ dưới 3 tuổi đang trong giai đoạn phát triển các kỹ năng vận động thô và kỹ năng vận động tinh, vì vậy việc nhà với kỹ năng lau rửa sẽ giúp trẻ thực hành cả hai kỹ năng này. Cha mẹ có thể dạy con lau sạch các bề mặt cứng như: cửa ra vào, bàn ghế và đồ chơi. Cha mẹ cũng cần dạy trẻ hiểu rằng chúng ta không sử dụng cùng một chiếc khăn để lau những khu vực khác nhau.Ví dụ khăn lau bàn thì không dùng để lau nhà vệ sinh, hay khăn ăn sẽ không dùng để lau bàn.
• Kỹ năng phân loại quần áo: Trẻ dưới 3 tuổi có thể bắt đầu học về cách phân loại và sắp xếp. Việc phân loại quần áo không chỉ giúp trẻ xây dựng kỹ năng tư duy và xác định màu sắc, mà còn có thể trở thành một trò chơi đối với trẻ. Vậy nên sau khi rút quần áo phơi khô, hoặc dọn tủ quần áo mùa đông, cha mẹ có thể hướng dẫn con phân loại quần áo, tất chân theo màu sắc, hoặc phân loại đồ của từng thành viên trong gia đình.
Gợi ý việc nhà dành cho trẻ trên 3 tuổi
Trẻ em ở độ tuổi này đã có thể tuân theo những “Chỉ dẫn 3 bước”, ví dụ như “Con hãy lấy cốc của mình, đổ nước thừa, sau đó đặt vào bồn rửa bát”. Trẻ thường rất háo hức khi được giúp đỡ cha mẹ, đặc biệt là những việc nhà mình yêu thích, để thể hiện rằng “con đã lớn khôn”. Ở lứa tuổi này, tùy thuộc vào khả năng và sở thích của con, có nhiều việc nhà cơ bản mà con đã có thể làm mà không cần sự giám sát liên tục. Cha mẹ có thể đưa ra những thử thách như “Chúng ta thử xem ai sẽ lấp đầy chiếc hộp đồ chơi này nhanh hơn, ai có thể dọn sạch chỗ bụi bẩn này xong trước nhé!”, hoặc “Con hãy bật bài nhạc mà con yêu thích và thử hát theo khi dọn dẹp xem nào!”.
• Sắp xếp giường ngủ: Mặc dù việc dọn giường ngủ có thể hơi khó đối với trẻ Mầm non, nhưng con có thể giúp cha mẹ gấp chiếc chăn nhỏ của mình, đặt gối ngay ngắn, hoặc tháo lớp vỏ gối chẳng hạn. Đây cũng là một nhiệm vụ thú vị giúp trẻ nhớ rằng việc giữ cho giường luôn sạch sẽ, gọn gàng sẽ cho con những giấc ngủ ngon.
• Phát triển kỹ năng dọn dẹp: Trẻ hơn 3 tuổi cần được tiếp tục hướng dẫn để phát triển những việc nhà cơ bản như tự thu dọn đồ đạc – dọn đồ chơi, dọn bát đĩa, dọn bàn học… Con cũng đã có thể gấp và cất quần áo của mình vào ba lô/tủ quần áo. Ngoài ra cha mẹ có thể bắt đầu dạy con tưới cây, nhổ cỏ dại trong vườn, quét nhà, lau nhà, cho thú cưng ăn…
3. Làm thế nào nếu trẻ chưa có hứng thú làm việc nhà?
Điều đầu tiên khiến trẻ có hứng thú, đó chính là sự đồng hành của cha mẹ cùng làm việc nhà với trẻ, đặc biệt là sự ghi nhận kịp thời, những lời động viên và khen ngợi dành cho trẻ mỗi khi con hoàn thành việc được giao. Nếu con có phần “bướng bỉnh” thì thay vì thúc giục hay cằn nhằn, cha mẹ có thể tặng cho con những phần thưởng phù hợp, hay những “đặc quyền” mỗi khi con hoàn thành nhiệm vụ.
Nếu con chưa thoải mái với việc dọn dẹp, thì đây cũng là cơ hội để các bậc cha mẹ dạy con rằng: “Nếu lúc con chơi/học tập/ăn uống có sự gọn gàng hơn thì việc dọn dẹp cũng sẽ diễn ra nhanh chóng hơn”. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để dạy con rằng “Chúng ta cần chăm sóc những thứ là của mình. Ví dụ như gia đình ta có căn nhà này, nên chúng ta cần chăm sóc nó, tương tự với đồ chơi, sách vở, dụng cụ… của con”.
Ngoài ra, cha mẹ có thể biến việc nhà trở thành một trò chơi, cùng nhau vừa làm vừa chơi hoặc vừa hát, hoặc sử dụng những dụng cụ thú vị như “Sticker chore chart” – Bảng Sticker việc nhà.
4. “Sticker chore chart” – Bảng sticker việc nhà khiến nhiệm vụ trở nên thú vị hơn
Rất nhiều cha mẹ đã chia sẻ rằng “Bảng Sticker việc nhà” là một công cụ hữu ích để giới thiệu cũng như là lời nhắc nhở trực quan cho trẻ về sự đóng góp của con trong gia đình. Trẻ sẽ hứng thú với hình ảnh hơn là câu chữ, nên cha mẹ có thể sử dụng bảng này gắn với hình ảnh các công việc nhà. Đặc biệt, cha mẹ nên sử dụng phần thưởng sticker dán lên bảng để trẻ có thêm động lực. Ví dụ như mỗi việc nhà hoàn thành, con sẽ nhận được một sticker, và quy đổi số sticker sưu tầm được thành những phần thưởng nhỏ nhắn dành riêng cho mình.
Dưới đây là một mẫu “Chore chart” cha mẹ có thể tham khảo cho con:
Giáo dục trẻ làm việc nhà chính là một trong những kỹ năng quan trọng mà cha mẹ cần dạy con ở lứa tuổi Mầm non, giúp con có những kỹ năng sống quan trọng và cơ bản cần thiết trong suốt cuộc đời. Làm việc nhà sẽ giúp nuôi dưỡng tính tự lập lành mạnh và tinh thần làm việc chăm chỉ ở trẻ, đây cũng là những phẩm chất thiết yếu giúp trẻ thành công trong tương lai. Việc nhà đôi khi chỉ là một việc nhỏ, nhưng đối với các con đó có thể là một nhiệm vụ lớn lao. Vậy nên, dù cha mẹ tiếp cận việc giáo dục này như thế nào, thì sự kiên nhẫn, thấu hiểu và ghi nhận vẫn là những yếu tố tiên quyết để trẻ trưởng thành hơn trong việc trau dồi những kỹ năng này.