Các vaccine ngừa Covid-19 đều được phê duyệt và cấp phép sử dụng khẩn cấp nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Do đó vẫn chưa có đủ dữ liệu khoa học để kết luận chính xác vaccine nào hiệu quả hơn vaccine nào. Điều quan trọng nhất là tất cả các vaccine đều có khả năng hạn chế lây lan, giảm tỷ lệ bệnh diễn tiến nặng và giảm nguy cơ tử vong.
Tất cả những người bệnh mắc bệnh gan mạn tính đều phải được ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19, ngay cả những người bệnh bị xơ gan mất bù, ung thư gan...
Đối với những người ghép gan vẫn có chỉ định chủng ngừa vaccine Covid-19 khi chức năng gan ổn định sau ghép, chỉ trì hoãn tiêm ngừa khi người bệnh đang trong giai đoạn thải ghép cấp.
Tiêm ngừa vaccine Covid-19 sẽ giúp bảo vệ người bệnh gan mạn tính không bị nhiễm bệnh nặng. Ngoài ra, những người mắc bệnh gan mạn tính cũng cần chủng ngừa bệnh viêm gan virus A, viêm gan virus B, cúm và bệnh nhiễm phế cầu khuẩn. Các hướng dẫn hiện nay khuyên người bệnh nên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cách các loại vaccine khác ít nhất hai tuần.
Hiện chưa có dữ liệu nào cho thấy vaccine ngừa Covid-19 gây tác hại ở nhóm người bệnh gan mạn tính. Không nên từ chối hoặc trì hoãn tiêm vaccine ngừa Covid-19 vì lo ngại về hiệu quả hay tính an toàn của vaccine. Các dữ liệu cho thấy người bệnh gan mạn tính mắc Covid-19 sẽ làm cho bệnh gan tiến triển nặng hơn, dễ tử vong hơn.
Tuy nhiên, người bệnh cũng nên trao đổi với bác sĩ điều trị bệnh gan của mình trước khi tiêm phòng.
Tác giả: Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng - Bác sĩ Phan Thế Sang Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM