Ngừa bệnh Rubella, thủy đậu, chân – tay – miệng ra sao?
Với thời tiết nắng nóng như hiện nay là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em như Rubella, thủy đậu và chân – tay – miệng tăng vọt. Vậy cách phòng ngừa và chữa trị ra sao? Báo SGGP 12 giờ đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM về vấn đề này.
- Thưa bác sĩ tình trạng trẻ em nhiễm các loại bệnh này hiện nay như thế nào?
- BS Trương Hữu Khanh: Bệnh Rubella, thủy đậu, chân – tay – miệng thường xảy ra cao điểm vào tháng 3, tháng 4 hàng năm. Nguy cơ lây bệnh vào những tháng này sẽ rất cao. Tại khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1, đặc biệt thời gian qua, có 10 ca mắc bệnh chân – tay – miệng bị biến chứng, 1 ca mắc bệnh thủy đậu bị biến chứng viêm tủy và 1 ca mắc bệnh Rubella biến chứng lên não.
- Xin bác sĩ cho biết triệu chứng của các bệnh này?
- Đối với bệnh Rubella thì nổi ban đỏ. Bệnh chân – tay - miệng nổi bóng nước ở những nơi như bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, xung quanh miệng. Còn bệnh thủy đậu thì nổi bóng nước khắp người. Ngoài ra, các bệnh này còn kèm theo những triệu chứng sốt, mệt mỏi, nhức đầu, ho, đau họng… Thông thường, chỉ 5 – 7 ngày là khỏi bệnh và không để lại hậu quả gì, trừ khi là có biến chứng xảy ra.
- Điều trị và cách phòng bệnh ra sao?
- Nếu trẻ sốt thì cho uống Paracetamol để hạ sốt, vệ sinh da thường xuyên, cho trẻ ăn những loại thức ăn lỏng dễ tiêu, không nên trùm kín tránh gió khi trẻ bệnh, không nên kiêng tắm, không được đắp các loại lá, chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi các nốt nhanh, nhiều, sốt cao, lừ đừ, bỏ ăn, co giật, hôn mê, nốt có mủ… Thông thường mỗi đứa trẻ chỉ mắc bệnh thủy đậu, Rubella 1 lần trong đời, nhưng đối với bệnh chân – tay – miệng thì có nhiều nguy cơ tái phát.