Trẻ dễ mắc bệnh nếu đi học mầm non. Nhưng đến khi vào tiểu học, sức đề kháng của trẻ đã học mầm non lại tốt hơn trẻ không học.
Ảnh: children-center.com
Theo Babycentre, trẻ bị ốm khi đi học mầm non là bình thường. Theo bác sĩ nhi khoa Canada Henry Ukpeh, trung bình trẻ dính bệnh 12 lần trong 12 tháng đầu tiên đi trẻ. Bệnh phổ biến là sổ mũi, ho, nôn trớ, sốt do viêm họng, sốt siêu vi dù ở nhà trẻ khỏe mạnh bình thường.
Thực tế hệ miễn dịch trẻ được mẹ truyền cho từ trong bào thai chỉ đủ để bảo vệ trẻ trong 6 tháng đầu đời. Giai đoạn từ 6 tháng đến khoảng 3-5 tuổi là lúc sức đề kháng của trẻ yếu nhất, dễ mắc bệnh nhất. Đây cũng là tuổi trẻ đi nhà trẻ và mầm non.
Một nghiên cứu của trường Đại học Montreal (Canada) phát hiện trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo dễ bị ốm hơn trẻ chỉ ở nhà. Bệnh sẽ giảm dần cho đến khi trẻ vào tiểu học. Thế nhưng những trẻ không đi học mầm non đến khi vào tiểu học lại dễ mắc bệnh. Bởi trong quá trình đi học mầm non, trẻ đã tự xây dựng được hệ thống miễn dịch cho mình.
Nhà trẻ, mẫu giáo là một môi trường lý tưởng để virus lây lan. Nhà trẻ thường là không gian nhỏ, kín, trẻ dùng chung đồ chơi, cùng ăn, cùng ngủ nên virus dễ lây lan từ trẻ này qua trẻ khác.
Để hạn chế con bị ốm khi đi học mầm non, bố mẹ cần giữ gìn vệ sinh cho con, đặc biệt là trong vài tháng đầu đến trường hay những ngày lạnh bằng cách rửa tay, thay quần áo cho con khi vừa về đến nhà. Con cũng cần ăn đủ chất, uống nhiều nước và ngủ đủ giấc để có sức đề kháng chống lại virus mà con đã tiếp xúc ở trường.