Biết cãi lời thể hiện con cũng có lập trường riêng của mình, bố mẹ không nên mất bình tĩnh mà hãy học theo những phương pháp dưới đây...
Bố mẹ nào cũng sẽ trải qua thời kì này: Đứa trẻ ngày một trưởng thành, cô bé cậu bé 6-7 tuổi đột nhiên có một ngày không ngoan ngoãn vâng lời bố mẹ nữa mà đã biết cãi lời.
Biết cãi lại cũng là một biểu hiện cho sự trưởng thành của con. Khi con trẻ càng lớn khôn, ý thức tự lập trong con càng mạnh, con sẽ có cách nghĩ cách nhìn riêng về rất nhiều vấn đề. Là cha mẹ, không cần phải nhường nhịn khi con cãi lại mà chúng ta nên để con được nói trong một mức độ phạm vi hợp lý nào đó.
Nếu như quá "hiền" với con, chúng sẽ cho rằng đây không phải chuyện nghiêm túc. Về sau, thái độ của chúng sẽ ngày tệ hơn khiến bố mẹ đau lòng. Nhưng nếu như quá gay gắt với con, chúng sẽ cho rằng bố mẹ không quan tâm đến cảm xúc riêng của mình, từ đó sinh ra chứng ngại chia sẻ với bố mẹ, khiến khoảng cách gia đình ngày càng lớn.
Lần tới khi con cãi lời, bạn hãy thử những cách dưới đây:
1. Giữ bình tĩnh
Khi cả bố mẹ và con đều trấn tĩnh lại mới có thể tiếp tục tranh luận. Thật ra, khi chuẩn bị nhận bài "lên lớp" của bố mẹ, trẻ con sẽ cảm nhận được một bầu không khí căng thẳng. Lúc này, bố mẹ nên tỏ ra ôn hòa hơn 1 chút vì nếu càng la hét, đe dọa hay quát lên: "Con còn dám cãi lời mẹ (bố) nữa cơ à!" sẽ càng khiến tình hình trở nên tồi tệ. Cách tốt nhất là tạm im lặng, hít thở sâu, đếm nhẩm từ 1 đến 10, tự suy ngẫm xem những lời mà mình định nói có thật sự giải quyết được vấn đề hay không.
Trong trường hợp đang ở nơi công cộng, bố mẹ tuyệt đối không được lớn tiếng quát mắng con mà nên nói với trẻ, vấn đề này chúng ta về nhà sẽ nói sau.
Khi con cãi lời, bố mẹ cần phải ôn hòa hơn, nếu không tình hình càng trở nên tồi tệ (Ảnh minh họa).
2. Xác định căn nguyên vấn đề, tìm hiểu lý do tại sao con lại nổi nóng
Nhiều khi, những lời cãi lại không thật sự biểu đạt những điều mà đứa trẻ muốn nói với cha mẹ. Có đôi khi con xảy ra mẫu thuẫn với bạn ở trường, trong lòng cảm thấy ấm ức nên về nhà mới trút giận lên bố mẹ vì trong tâm trí các con luôn cho rằng bố mẹ là nơi an toàn nhất để xả giận. Cũng có khi vì áp lực bài vở quá lớn, mặc kệ bố mẹ hò hét thế nào, con cũng chỉ muốn nhốt mình trong phòng riêng.
Trong những trường hợp thế này, bố mẹ lại càng cần phải bình tĩnh, thử dò hỏi con nguyên nhân của vấn đề, ví dụ: "Hôm nay ở trường có chuyện gì đúng không con?" hay "Chắc con cần yên tĩnh một chút nhỉ?"... Tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến trẻ trở nên cáu gắt sẽ dễ dàng xoa dịu được tâm trạng nóng nảy của trẻ.
3. Cho con thấy giới hạn chịu đựng của bạn
Khi bạn nhắc nhở hay yêu cầu con 1 việc gì đó, những đứa trẻ hiền lành sẽ nói: "Mẹ (bố) có thể đừng nhắc lại nữa được không ạ?", ý của chúng là: "Việc này bố mẹ đã nói đi nói lại quá nhiều lần rồi." Lúc này, bạn nên cho trẻ biết: Con có thể không vui, tạm thời bỏ ngoài tai lời nhắc nhở của người lớn nhưng nếu như con hét lên, vô lễ bảo bố mẹ "biến đi" thì bố mẹ sẽ không tha lỗi cho con.
4. Hình phạt nghiêm khắc nhưng khéo léo để con biết, bố mẹ đang nghiêm túc
Ngay từ đầu, bố mẹ đã cần phải cho con biết, những hành động, lời nói như thế nào là không đúng. Nên để con hiểu được: Nếu con làm những việc không đúng đó, nói ra những lời lẽ không hay con sẽ bị phạt. Sau đó, bố mẹ hãy thử áp dụng một số hình phạt hợp lý như: con không được chơi máy tính, không được xem tivi, phải làm thêm nhiều việc nhà hơn hoặc bắt buộc phải đi ngủ thật sớm.
Bạn nên nói trước với trẻ về những hình phạt này để trẻ không cảm thấy không phục khi bị phạt. Đương nhiên, điều quan trọng nhất là bố mẹ phải duy trì hình phạt này để trẻ thấy đây là một việc nghiêm túc. Vì thế, sau này trẻ sẽ chú ý hơn đến thái độ, hành vi của mình.
5. Khen ngợi trẻ: Khen ngợi đúng lúc để con hiểu, bố mẹ vẫn quan sát sự tiến bộ của con
Khi con biết biểu đạt cảm xúc của mình bằng những cử chỉ, thái độ tôn trọng người khác, bố mẹ nhất định phải khen ngợi con. Có thể nói với con: "Cách con cư xử ngày hôm nay rất đáng được khen thưởng" hay "Con làm rất tốt, việc con trả lời mà không gắt lên với mẹ khiến mẹ rất vui". Những lời khen này sẽ khiến những đứa trẻ cảm thấy thỏa mãn. Hơn nữa, chúng có thể nhận thức được, bố mẹ không phải lúc nào cũng trách mắng về lỗi sai của chúng mà còn quan sát cả những sự tiến bộ mà con đã cố gắng.
Những đứa trẻ càng lớn sẽ càng ngại chia sẻ vấn đề của mình với cha mẹ. Những thái độ, hành vi của bố mẹ chúng đều ghi nhớ và học tập theo.
Tác giả: admin