Khi trẻ có dấu hiệu thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm để phát hiện bệnh viêm phổi và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, trẻ rất dễ mắc các bệnh về hô hấp, nhất là viêm phổi. Đây là bệnh dễ bị biển chứng nặng, dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nguyên nhân của bệnh viêm phổi là do khi thời tiết thay đổi đột ngột, nhiệt độ môi trường lên xuống thất thường dẫn đến cơ thể của trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi không thích nghi kịp, trong khi sức đề kháng của trẻ còn yếu dẫn đến dễ nhiễm vi rút, vi khuẩn gây bệnh.
Khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới có thể gây ra những biến chứng nặng như viêm phổi, dẫn đến suy hô hấp và có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Triệu chứng của bệnh viêm phổi thường gặp là: Trẻ bị sốt, ho khan hoặc có đờm, khó thở, nhịp thở nhanh, rút lõm lồng ngực, thậm chí tím tái...
Cha mẹ cần nhận biết sớm dấu hiệu thở nhanh, rút lõm lồng ngực ở trẻ, nhất là trẻ sơ sinh, vì đây là dấu hiệu rất quan trong để nhận biết bệnh viêm phổi. Dấu hiệu thở nhanh ở trẻ có thể phát hiện khi thấy trẻ sốt, ho và thở nhanh hơn ngày thường. Về nhi khoa, nhịp thở của trẻ được coi là nhanh khi ở mức như sau:
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi nhịp thở trên 60 lần/phút.
- Trẻ từ 2- 12 tháng có nhịp thở trên 50 lần/phút.
- Trẻ từ 1-5 tuổi có nhịp thở trên 40 lần/phút.
- Trẻ từ 5 tuổi trở lên có nhịp thở trên 30 lần/phút.
Để phát hiện chính xác dấu hiệu rút lõm lồng ngực ở trẻ, cha mẹ nhìn ngực của trẻ khi trẻ thở trong khoảng 2 phút. Nếu thấy lồng ngực của trẻ lõm vào khi trẻ hít vào thì khả năng trẻ đã bị viêm phổi nặng, ngay lập tức phải bế trẻ đi viện vì bệnh đã có dấu hiệu nguy hiểm.
Các bác sĩ cũng lưu ý, cha mẹ nếu thấy con có dấu hiệu của bệnh viêm phổi phải đưa con đi khám ngay, không nên tự ý sử dụng kháng sinh để tự điều trị ở nhà. Tránh trường hợp cha mẹ sử dụng kháng sinh không đúng khiến trẻ không đỡ, khi đưa đến viện đã chuyển sang biến chứng nặng. Chỉ các bác sĩ có chuyên môn mới có thể xác định đúng bệnh, tình trạng bệnh để kê thuốc và xử trí kịp thời.
Để phòng bệnh viêm phổi cho trẻ, cha mẹ cần: Thường xuyên vệ sinh môi trường sống của trẻ, nhất là phòng của trẻ phải luôn sạch sẽ, thông thoáng để tránh sự sinh sôi của vi rút, vi khuẩn; giữ ấm cho trẻ vào những ngày lạnh; chú ý cho trẻ ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng, trẻ sơ sinh cần được bú mẹ đầy đủ; đặc biệt cần theo dõi và phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ để điều trị kịp thời, tránh để dẫn đến viêm phổi.