Cho rằng trẻ bám mẹ là hư được khoa học chứng minh là những cáo buộc vô căn cứ. Cùng đọc bài viết này để giải oan cho các bà mẹ và "những đứa trẻ hư" nhé!
Nhiều đứa trẻ cứ thấy mẹ là bám rịt lấy, nhằng nhẵng đòi mẹ bế, chơi cùng... và điều này đôi khi khiến các mẹ rất mệt mỏi. Trẻ bám mẹ sẽ khiến mẹ không thể tập trung làm được việc gì, cứ trao bé cho người khác là bé khóc và có cảm giác con chẳng khác gì cái "đuôi" không thể rời của mẹ.
Những đứa trẻ không thể tách rời mẹ. (Ảnh minh họa)
Không ít người cho rằng trẻ bám mẹ là trẻ hư, chỉ biết ỷ lại, không có tính tự lập hay thiếu ý thức thương mẹ dù hầu hết những đứa trẻ ấy chỉ tầm 1, 2 tuổi. Nhưng đó hoàn toàn là những "cáo buộc" thật sự vô lý và không công bằng với trẻ. Bởi hiện tượng trẻ bám mẹ đã có những lời giải thích thật khoa học.
Khoa học lý giải bám mẹ là bản năng sinh tồn có từ thời tiền sử
Nhà nghiên cứu thuyết gắn bó Alan Sroufe thuộc Đại học Minnesota (Bắc Mỹ) giải thích, hành vi bám mẹ ở một đứa trẻ hoàn toàn là điều bình thường. Thậm chí nó còn được coi như là một biểu hiện của sự tiến hóa. Trở lại với thời kỳ tiền sử, khi tổ tiên của chúng ta vẫn sống bằng săn bắt, hái lượm, leo cây, trèo lên các mỏm đá, chạy trốn khỏi những kẻ săn mồi thì những đứa trẻ khi đó cũng luôn bám vào mẹ theo đúng nghĩa đen. Đấy là một cách để trẻ tìm sự giúp đỡ, được mẹ bảo vệ an toàn trong những tình huống nguy hiểm. "Bám vào các loài linh trưởng, đặc biệt các loài linh trưởng thường hay di cư là một bản năng sinh tồn cần có của trẻ trong thời kỳ này", Sroufe nhấn mạnh thêm.
Bám mẹ là bản năng sinh tồn từ thời xưa. (Ảnh minh họa)
Nhiều chuyên gia đã nghiên cứu và cho rằng, trong suy nghĩ của một đứa trẻ thì sự bám mẹ giống như cơ sở an toàn. Từ khi sinh ra, trẻ dường như đã sẵn có mối liên hệ chặt chẽ với mẹ qua hơn 9 tháng nằm trong bụng mẹ. Vừa chào đời, bé lại được cho trẻ bú và việc này mang đến cho trẻ cảm giác về người đầu tiên khiến chúng cảm thấy an toàn là mẹ. Trẻ cũng được coi là phát triển bình thường nếu như có biểu hiện muốn bám rịt lấy người thường xuyên trông nom, ở bên cạnh mình nhiều nhất. Trẻ coi người này là người đáng tin, thường nhạy cảm và hiểu tốt nhất nhu cầu của mình. Trẻ cũng thông qua việc bám lấy người này, mà trong phần đa trường hợp là mẹ, giống như ở trên một con thuyền để từ từ ra khơi khám phá thế giới xung quanh mình.
Nhiều đứa trẻ không đeo bám mẹ hay bất kỳ ai thường cảm thấy mình không thể trông cậy vào người khác và trong những tình huống nguy hiểm cũng không dựa vào ai cả. Nhưng điều này chỉ giải thích ngược lại rằng, hiện tượng bám mẹ ở trẻ là bằng chứng cho thấy mẹ là người đáng tin trong mắt trẻ. Đương nhiên, những việc bạn thực hiện để có được niềm tin này cũng hoàn toàn đúng.
Chuyên gia tâm lý phát triển Ross Thompson, Đại học California Davis (Mỹ), cũng chia sẻ thêm rằng, những tình huống mà trẻ cảm thấy nguy hiểm rất khó có thể đoán trước. Đó có thể là một chuyển đổi nhỏ hay một thay đổi lớn trong cuộc sống gia đình, khiến trẻ co rúm lại và cần tìm đến người chúng tin tưởng để có được cảm giác an toàn hơn. Ví dụ như khi bé bị chuyển trường, bắt đầu làm quen với những người bạn mới hay được đi du lịch đến một nơi xa lạ cùng với gia đình... Nhiều đứa trẻ thậm chí còn bám mẹ vào buổi sáng, khi mẹ bảo con hãy xỏ chân vào giày đi. Trẻ hiểu đi giày nghĩa là sẽ sắp phải đi học và phải xa mẹ nên sẽ nhì nhằng bám mẹ ngay lập tức.
Thompson giải thích: "Khi cảm giác được sự hiểm nguy sắp đến, những đứa trẻ sẽ dính mẹ như keo. Bởi mẹ khi đó là cơ sở an toàn, là nơi ẩn náu lý tưởng và là người có thể giúp trẻ tìm được những hỗ trợ cần thiết để xoay sở với những tình huống xấu sắp xảy ra". Và trong nhiều trường hợp, một đứa trẻ sau khi gặp phải cú sốc nào đó cũng tìm cách bám lấy mẹ không ngừng như một phương pháp để được "tiếp thêm nhiên liệu" cho mình.
Trẻ bám mẹ có được coi là con hư?
Qua những lời giải thích khoa học như trên, có lẽ các mẹ đã hiểu vì sao một đứa trẻ cứ nhõng nhẽo, bám riết lấy mẹ không ngừng mỗi ngày như thế. Bởi mẹ là người trẻ tin tưởng nhất, đặt nhiều kỳ vọng chở che an toàn cho mình nên con mới tìm mẹ để có được sự yêu thương và giúp đỡ. Cho rằng trẻ bám mẹ là hư, con bám mẹ là do mẹ không biết dạy hoàn toàn là những nhận xét vô căn cứ.
Việc được bám mẹ cũng mang lại cho trẻ nhiều lợi ích về mặt tình cảm. Trẻ sẽ cảm nhận được sự yêu thương, quan tâm và bảo vệ từ mẹ. Từ đó giúp trẻ không còn sợ hãi, có cảm giác tự tin hơn khi làm quen với những điều mới mẻ và sẽ phát triển toàn diện hơn về sau.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác cũng đã chứng minh trẻ càng nhận được sự yêu thương, quan tâm từ mẹ khi còn nhỏ càng nhiều thì lớn lên sẽ dễ trở thành con người bản lĩnh, có khả năng đối phó với các áp lực trong cuộc sống. Tiến sĩ tâm lý Joanna Maselko của Đại học Temple, Mỹ đã theo dõi gần 500 người trong bang Rhode Island để tìm hiểu mối quan hệ giữa tình yêu của người mẹ với khả năng đối phó với các trạng thái tiêu cực của những đứa con. Kết quả cho thấy mức độ biểu hiện tình yêu thương của mẹ khi trẻ nhỏ càng lớn thì lớn lên đứa con càng hiếm khi rơi vào những trạng thái tình cảm tiêu cực như trầm uất, căng thẳng.
Vì vậy, hãy dành thời gian tận hưởng việc được trẻ đeo bám, coi như đó là một trong những niềm hạnh phúc vô bờ bến mà thiên chức làm mẹ mang lại. Bởi khi trẻ khoảng 3 tuổi trở lên, hành vi bám mẹ này sẽ dần tự nhiên mà bị mất đi. Và đến lúc ấy, rất có thể bạn sẽ nhớ khoảng thời gian con bám mẹ như hình với bóng, đi đâu cũng là "cái đuôi", cái bóng của mẹ.