Chứng táo bón là một bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, tình trạng này có thể được cải thiện nhanh chóng nếu cha mẹ biết cách điều chỉnh chế độ ăn và bổ sung một số vi chất, nhất là chất kẽm cho trẻ.
GS.TS Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết như trên tại hội thảo về sự phát triển của hệ miễn dịch vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Theo GS Khanh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng táo bón ở trẻ. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu nhất là do sai lầm trong chế độ ăn uống. Những trẻ ăn chưa đủ số lượng hàng ngày, uống ít nước, ăn ít hoa quả tươi… đều có nguy cơ bị táo bón. Ngoài ra, phải kể đến một số yếu tố như yếu tố tinh thần, do giảm trương lực ruột, bị tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa…
Cũng tại hội thảo này, GS Boosba Vivatvakin (Trưởng khoa Tiêu hóa Nhi, Bệnh viện Chulalongkorn Thái Lan) cho hay, nhiều cha mẹ rất lúng túng khi con bị táo bón, nhưng thực tế, chứng táo bón ở trẻ có thể được khắc phục rất đơn giản.
Thứ nhất, khi xác định trẻ bị táo bón, đầu tiên phải làm cho phân mềm, lỏng hơn bằng cách bổ sung nước, dịch cho trẻ. Nhất là trong những ngày nắng nóng, trẻ không chỉ bị mất nước qua đi tiểu mà còn mất nước do ra nhiều mồ hôi, do vậy bổ sung nhiều nước là rất quan trọng. Đồng thời, phải cho trẻ ăn đủ số lượng hàng ngày, bổ sung nhiều chất xơ theo tỷ lệ của độ tuổi. Cho trẻ ăn nhiều rau xanh và hoa quả. Khi đó, tình trạng táo bón của trẻ sẽ được khắc phục sau khi điều chỉnh chế độ ăn và bổ sung nước.
Dấu hiệu của táo bón
Táo bón là tình trạng trẻ đi đại tiện phân quá ít, rắn và khô. Bé thường sợ đi cầu do bị đau rát, thậm chí chảy máu và thời gian đi cầu thường rất lâu.
Đối với trẻ dưới một tuổi thường đi đại tiện từ 2 – 3 lần/ngày, hoặc chỉ một lần nhưng phân vẫn mềm, dẻo, khối lượng bình thường thì không coi là táo bón. Còn với trẻ lớn hơn, có khi đi 2 – 3 ngày/lần nhưng phân khô, rắn thì vẫn được gọi là táo bón. Còn bình thường, thậm chí có trẻ 3 ngày mới đi cầu một lần nhưng phân vẫn mềm, dẻo thì trẻ vẫn không bị coi là táo bón. |
Còn trong trường hợp trẻ bị táo bón kinh niên, táo bón nặng thường rất sợ đi cầu do bé đi thường bị đau rát, thậm chỉ chảy máu. Có bé nhìn thấy “bô” đã khóc thét lên. Vì vậy, bé càng sợ đi ngoài, càng nín nhịn lâu khiến phân càng bị lèn chặt khiến tình trạng táo bón càng thêm nặng nề. Lúc này, tốt nhất hãy cho bé đi khám bệnh, bác sĩ sẽ cho bé loại thuốc bôi trơn hậu môn, đút hậu môn giúp bé đi cầu dễ hơn, bé sẽ đỡ sợ đi cầu. Đồng thời với những bé này, cha mẹ cần động viên tinh thần để trẻ đi cầu thành thói quen, vào đúng giời quy định. Nên chọn thời gian thuận tiện, khi trẻ không vội vã, thường nên chọn sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột hoạt động tăng, giúp việc đẩy phân ra ngoài dễ dàng hơn.
Khi thấy bé có đường kính phân quá lớn (có thể do phân bị tích tụ trong ruột già lâu, hoặc do trương lực của ruột kém… ) thì cũng cần nghĩ ngay đến tình trạng táo bón dù có thể trẻ vẫn đi cầu được bình thường. Lúc này, nên đưa bé đi khám bác sĩ, trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ cho bé dùng thuốc tăng cường trương lực ruột, giúp việc đẩy phân ra được dễ dàng hơn.
Bà Boosba Vivatvakin cho biết thêm, có bé phân trơn láng, mềm, đi ngoài không khó nhưng 3 - 4 ngày mới đi một lần là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, với những bé thời gian đi cầu thường lâu do rặn, khóc, đau đớn khi đi cầu, dù bé đi 3 lần/tuần cũng phải xem xét khả năng bé bị táo bón để có thể điều chỉnh thích hợp.
Rất nhiều trẻ bị táo bón khi không được bú sữa mẹ mà dùng sữa bò, sữa công thức. Lúc này, người mẹ cần lựa chọn loại sữa phù hợp với con, vì hệ miẽn dịch của trẻ sơ sinh rất non nớt. Nên chọn những loại sữa giàu chất sơ có nguồn gốc tự nhiên sẽ giúp bé tăng cường chức năng miễn dịch trong ruột và hỗ trợ cho sức khỏe đường ruột.
Tác giả: admin