Nếu như những tuần trước chỉ ghi nhận chỉ 3-6 ca/tuần thì tuần từ ngày 12/3 đến 19/3, trên địa bàn TP ghi nhận thêm 10 trường hợp mắc bệnh sởi. Tích lũy từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 38 trường hợp mắc sởi.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội chiều ngày 19/3, tính đến thời điểm hiện tại TP đã ghi nhận 38 trường hợp mắc bệnh sởi.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc sởi trong tuần này đã tăng so với những tuần trước đó. Cụ thể, nếu như những tuần trước chỉ ghi nhận chỉ 3-6 ca/tuần) thì tuần từ ngày 12/3 đến 19/3, trên địa bàn TP ghi nhận thêm 10 trường hợp mắc bệnh sởi. Tích lũy từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 38 trường hợp mắc sởi.
Điều trị cho bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Về nguyên nhân dịch sởi có xu hướng tăng, theo ông Hạnh, thời tiết giao mùa xuân hè là điều kiện thuận lợi phát sinh tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là bệnh sởi. Để phòng chống các dịch bệnh này, người dân cần chủ động tăng cường sức đề kháng và tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh.
Bài học từ vụ dịch sởi năm 2014, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, với địa bàn rộng, dân cư đông như Hà Nội thì không thể chủ quan. Ngay từ đầu năm 2018, công tác phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố đã được triển khai đồng bộ, mục tiêu là phát hiện sớm ca bệnh, khống chế kịp thời, không để dịch lớn xảy ra.
Để tránh lây nhiễm chéo, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt việc tổ chức phân tuyến điều trị, thiết lập khu vực riêng để khám, điều trị bệnh nhân mắc sởi. Hiện các bệnh viện đã tổ chức khám phân loại bệnh nhân ngay từ phòng khám.
TS Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo, khi trẻ mắc sởi, người dân hãy đưa con em đến các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Những cơ sở này đủ khả năng khám, điều trị cho bệnh nhân sởi.
Nếu bệnh nhẹ mà đổ dồn lên tuyến trên thì sẽ gây quá tải bệnh viện, tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.