Đầu xuân, trẻ em nào cũng có tiền lì xì mừng tuổi, nhưng không phải em nào cũng biết hết ý nghĩa của phong tục mừng tuổi cũng như sử dụng tiền mừng tuổi thế nào cho hợp lý. Người lớn sẽ hướng các em tiêu khoản tiền đó như thế nào?
Hiểu rõ hơn về một phong tục đẹp.
Theo tục lệ của người Việt từ xưa, cứ vào ngày Tết Nguyên đán là con cháu lại chúc Tết, tặng quà (hoặc tiền) cho ông bà cha mẹ mình. Ông bà cha mẹ lại "lì xì" cho con cháu một phong bao màu đỏ, bên trong có chút tiền lấy may năm mới, mang lại niềm vui cho cả năm. Phong tục mừng tuổi ngày nay vẫn còn. Ông bà cha mẹ, cô dì chú bác... mừng tuổi cho con cháu. Khách đến nhà ai chúc Tết thì lì xì cho trẻ con nhà đó (có khi cả người già cao tuổi), hoặc chủ nhà đón khách tới chúc Tết cũng lì xì trẻ em đi theo khách; mỗi khi mừng tuổi đều kèm theo một câu chúc tốt đẹp.
Việc mừng tuổi lì xì này không nằm ở giá trị phong bao mà quan trọng là cầu mong cho trẻ con hay ăn chóng lớn, người già được sống trường thọ. Mừng tuổi còn xuất phát từ quan niệm "Yêu trẻ trẻ đến nhà, trọng già già để tuổi cho". Tuy được mừng tuổi nhưng hầu hết các em đều biết rất ít về phong tục này của người Việt. Người lớn cần giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của việc lì xì là một phong tục đẹp, mong cho mọi người được may mắn, hoàn toàn không có mục đích kinh tế.
Bài học về chi tiêu tài chính từ việc "giải ngân" tiền mừng tuổi
Sau Tết, trẻ em đều có một khoản tiền lì xì nho nhỏ là "của riêng". Nếu các em biết cách sử dụng tiền mừng tuổi của mình vào những mục đích hợp lý thì sau này lớn lên chắc chắn các em sẽ trở thành người biết làm chủ nguồn tài chính và chi tiêu hợp lý. Để làm được điều này, người lớn cần giúp trẻ "giải ngân" thế nào cho hợp lý. Khi có trong tay tiền lì xì, mừng tuổi mà không được hướng dẫn, các em thường chi tiêu theo ham muốn, sở thích và sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua sắm ăn uống mà không đắn đo, lo nghĩ.
Một số em lại tỏ ra khá thờ ơ với những vấn đề liên quan đến tiền bạc vì cho rằng chỉ cần tập trung vào việc học, còn lại mọi chuyện khác đã có cha mẹ lo. Chú heo đất là bài học đầu tiên giúp trẻ biết tiết kiệm tiền. Cần nói chuyện với trẻ về những vật mà trẻ có thể dùng tiền mừng tuổi để mua: đó có thể là một cuốn sách, một bộ quần áo, một đồ chơi hoặc một chiếc xe đạp...
Nếu cha mẹ thấy rằng các mục chi tiêu của trẻ nằm ngoài nhu cầu chính đáng của chúng (như ăn quà, chơi bời hoặc mua sắm những thứ hoang phí hay không phù hợp lứa tuôi), cần nói rõ quan điểm muốn trẻ tiết kiệm. Để trẻ em vui vẻ làm theo lời khuyên của bố mẹ, người lớn có thể góp thêm một số tiền nhất định vào khoản tiền mà trẻ có được. "Mẹ góp thêm xxx đồng vào số tiền mừng tuổi để con mua một cái xe đạp đi học".
Hoặc "Theo mẹ, con nên dùng số tiền này đề mua sách giáo khoa năm tới"; "Con xem ai trong nhà mình hay phải chi tiêu nhiều nhất" (chúng sẽ nói là mẹ), lúc đó sẽ hướng trẻ mua các đồ vật phục vụ bản thân trẻ (như quần áo, sách vở...) để bớt gánh nặng chi tiêu cho mẹ... Điều này vừa giúp rèn luyện thói quen tiết kiệm của trẻ nhỏ, vừa khiến trẻ có động lực để tiết kiệm nhiều hơn nữa.
Chúng ta không quên bài văn lạ của Nguyễn Trung Hiếu - cậu học trò lớp 11 chuyên lý trường Amstecdam. Đó là lời tâm sự của một học trò nghèo đã có một quá trình chứng kiến người lớn trong nhà kiếm tiền vất vả và chi tiêu dè xẻn. Em đã biết quý trọng đồng tiền, hiểu được giá trị của đồng tiền chân chính trong cuộc sống của gia đình mình.
Dù là trẻ sống trong gia đình giàu có hay là con nhà nghèo nhưng một khi đã quen tiêu xài phung phí mà không được đáp ứng nhu cầu, các em có thể nảy sinh những hành vi tiêu cực, chẳng hạn trộm cắp tiền của gia đình, người khác. Không phải ngẫu nhiên mà các tệ nạn học đường (như bỏ học đi chơi game điện tử, la cà quán chát, chơi bài ăn tiền...) lại xuất hiện nhiều ngay sau Tết Nguyên đán hàng năm. Cha mẹ không chỉ quản lý chặt chẽ giờ giấc của con, mà cần phải biết hướng dẫn con cách chi tiêu tiền lì xì hợp lý.
Đừng nghĩ đơn giản "chỉ có mấy đồng lẻ, kiểm soát làm gì ...", hoặc "tiền của con thì để con tự do" là vô tình đã thả lỏng dẫn đến làm hỏng các em. Tiền mừng tuổi lì xì với trẻ em Tết nào cũng có. Bài học đầu tiên về chi tiêu tài chính sau này của trẻ chính là việc hướng dẫn sử dụng tiền mừng tuổi như thế nào cho hợp lý. Để trẻ tiêu tiền đúng mục đích, không lãng phí, còn ở ý thức giáo dục trẻ em trong tất cả các môi trường xã hội. Có như vâỵ̣, người trao tiền lì xì mới được may mắn, người nhận tiền lì xì mới cảm thấy hạnh phúc vui vẻ trong những ngày đầu xuân.
Bài học về văn hóa phong bì và quà tặng: Nhớ lại thời bao cấp trước kia, cả xã hội còn khó khăn. Học trò thường đến thăm thầy cô theo đúng lễ nghĩa "mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy". Chỉ là những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới, kèm theo những bông hoa trồng trong vườn nhà, cùng với đó là những sản phẩm thôn quê dân dã, hoa quả trong vườn. Những thứ đó đâu có mang giá trị nhiều về vật chất, nhưng ý nghĩa tinh thần thì thật lớn lao, tình cảm thầy trò mới quý làm sao. Người ta chúc Tết nhau cũng chỉ bằng câu chúc "bằng năm bằng mười năm ngoái", chân thành, thực tâm mong cho nhau được tốt đẹp may mắn, làm ăn gặp gỡ phát đạt.
Bây giờ, nhiều người lì xì không đơn thuần là bày tỏ tình cảm, mà có mục đích rõ rệt. Có người lì xì con sếp, con của thầy cô giáo dạy con mình bằng những phong bao rất "nặng" về giá trị vật chất (thậm chí cả đô la). Đáng trách có những người đã tặng nhau bưu thiếp nhưng bên trong ruột lại là thứ có giá trị gấp ngàn lần tấm bưu thiếp. Như vậy, chuyện lì xì ngày Tết đã bị hiểu sang cuộc bán mua, món quà bị biến tướng cũng bởi chiếc phong bao lì xì.
Từ chú heo đất, người lớn giúp trẻ nhận thức được bài học về văn hóa phong bao phong bì, quà tặng. Trẻ nhận thức được điều đó ngay từ khi còn nhỏ, lớn lên sẽ trở thành những người chân thành, trung thực, không a dua nịnh bợ.
Người lớn cần hướng trẻ như thế nào?
Trong gia đình: Có không ít phụ huynh đã "vay" (không trả) tiền mừng tuổi của con, để lại trong con trẻ một nỗi buồn, sự hụt hẫng khi niềm vui có tiền mừng tuổi chưa được bao lâu. Điều đó không nên. Nên để trẻ vui mừng với khoản tiền mừng tuổi ngày Tết như là tận hưởng một cảm giác được may mắn cả năm. Có điều bố mẹ nên hướng con chi tiêu số tiền đó thế nào cho hợp lý mà không làm mất đi niềm vui của trẻ.
Đa số phụ huynh không nắm được con cái họ tiêu tiền lì xì như thế nào, thậm chí có những em dùng tiền mừng tuổi sa đà chơi game, cha mẹ cũng không hay. Người lớn nên theo dõi cảm xúc của trẻ khi nhận và mở phong bao lì xì để chấn chỉnh. Nên đưa những nhận xét, ý kiến hướng trẻ em đến việc coi trọng giá trị tinh thần của lì xì mừng tuổi chứ không phải nhìn vào giá trị vật chất của nó. Nên cho trẻ biết ý nghĩa của bao lì xì màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và nhắc nhở các em biết quý trọng giá trị của sự may mắn ấy.
Trong nhà trường: Thầy cô có thể đưa vấn đề "tiêu tiền mừng tuổi" ra thảo luận trước lớp trong các giờ sinh hoạt, hoạt động ngoại khóa hoặc lồng ghép vào các giờ Giáo dục công dân. Qua đó các em sẽ rút ra được những gì cần thiết cho mình.
Nhớ lại trước kia, khi còn dạy ở trường Tiểu học ĐT, tôi đã chứng kiến một số học sinh tiểu học "khoe" nhau số tiền mừng tuổi mình có được sau Tết. Tôi dành thời gian để hỏi các em "Các con dùng số tiền đó để làm gì?" Và thật thú vị khi các em trả lời. Có em thì đưa hết cho mẹ "vay"; Có em dùng để mua sách vở, có em để đóng học. Chợt có 1 em "sáng kiến" nói rằng "sẽ giúp bạn Quỳnh vì nhà bạn ấy không còn mẹ nữa".
Và sáng kiến ấy đã được thầy cô vận dụng vào tiết chào cờ đầu tiên của năm mới. Với tiêu đề của buổi sinh hoạt "Dành tiền mừng tuổi giúp đỡ bạn nghèo đến trường". Các em đều lần lượt lên bỏ một chút tiền trích trong heo đất "lì xì" của mình vào một thùng nhỏ. Cuối buổi, số tiền ấy đã đủ để mua tặng bạn mồ côi một chiếc xe đạp trị giá 600.000đ, một bộ quần áo ấm, 10 cuốn vở và 1 bộ sách giáo khoa năm học tới. Như vậy. Đó vừa là bài học về tiết kiệm, vừa là bài học về lòng nhân ái cho trẻ.
Đầu xuân, trẻ em nào cũng có tiền lì xì mừng tuổi, nhưng không phải em nào cũng biết hết ý nghĩa của phong tục mừng tuổi cũng như sử dụng tiền mừng tuổi thế nào cho hợp lý. Để giúp các em có được những bài học bổ ích từ chú heo đất, người lớn chúng ta cần làm sao để trẻ hiểu được ý nghĩa của phong tục lì xì đầu năm, cũng như chi tiêu chút "vốn riêng" đó thế nào cho hợp lý. Điều đó phụ thuộc rất nhiều ở các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và tất cả chúng ta.