Giúp con xây dựng sự tự tin bằng tình cảm và lý trí
Trẻ có sự tự tin sẽ dễ dàng hòa nhập với tập thể, nó có đóng góp không nhỏ đến sự thành công của trẻ. Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng sự tự tin cho con trẻ?
Hãy cho trẻ cơ hội tự làm, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm
Cha mẹ hãy để con của mình tự làm việc nhà như nấu cơm, rửa bát, quét nhà... giúp cha mẹ hay để con tự vệ sinh cá nhân, thay quần áo và chuẩn bị sách vở đi học. Hãy để cho trẻ có quyền được tự quyết định chọn đồ gì, mặc quần áo gì còn cha mẹ có thể giúp trẻ cách phối đồ sao cho phù hợp.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể để con thể hiện sự tự tin của mình trước đám đông bằng những việc làm nhỏ nhặt nhất như: Để trẻ gọi món ăn trong nhà hàng khi đi ăn cùng cha mẹ hoặc để trẻ xếp hàng mua vé tham quan... tất cả những điều đó tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có hiệu quả rất lớn khi con bạn được tiếp xúc và nói lên mong muốn của mình.
Hãy cố gắng để con trẻ tự làm và nói với con rằng: "Con xem, con làm được rồi kìa", "mẹ tự hào vì con"...
Để cho con trẻ độc lập, tự chủ cũng là cổ vũ con tự lựa chọn, để chúng luyện tập chính mình đưa ra những quyết định đơn giản ngay từ khi còn bé thì sau này chúng sẽ biết cách đưa ra những quyết định khó khăn.
Khi trẻ cảm thấy vui hay buồn, hãy khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc của mình. Điều này giúp bố mẹ hiểu bé hơn, mặt khác giúp trẻ chia sẻ suy nghĩ của mình với người khác. Bố mẹ sẽ có những động viên, khuyến khích con hoặc đưa ra những giải pháp giúp bé tự tin hơn.
Hãy đặt niềm tin vào con
Hãy cố gắng nhìn vấn đề một cách khách quan, tích cực và khơi dậy niềm tin ở trẻ trong bất cứ hoàn cảnh nào để trẻ thấy rằng bố mẹ luôn tin tưởng mình. Điều đó sẽ là động lực để trẻ học tập, rèn luyện tốt hơn.
Khi trẻ mắc lỗi bạn đừng vội vàng cho rằng vì nguyên nhân khách quan hay do bé chưa cố gắng hết sức, không nên thất vọng khi trẻ không đạt được như mong muốn, hãy hướng trẻ đến những suy nghĩ tích cực hơn.
Nuôi dạy con bằng tình yêu thương và tiếng cười
Môi trường sống là nhân tố quan trọng để hình thành nên tính cách của một con người. Bố mẹ hãy gác lại những lo toan, phiền muộn trong công việc và cuộc sống bên ngoài cánh cửa gia đình để tổ ấm thực sự là nơi bình yên cho mỗi thành viên trong gia đình trở về sau một ngày làm việc, học tập. Không gian yên bình của ngôi nhà không chỉ giúp cha mẹ, con cái cảm thấy thoải mái, gắn bó với nhau hơn mà còn làm tăng sự tự tin, lòng tự trọng của trẻ. Cha mẹ cư xử hòa thuận, trên kính dưới nhường là tấm gương để trẻ học hỏi và làm theo.
Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của một đứa trẻ để hiểu chúng và có những suy nghĩ tích cực. Bạn đừng ngại ngần thể hiện những cử chỉ, lời nói và hành động thể hiện tình yêu vô bờ của bố mẹ dành cho con cái. Trẻ sẽ nhận ra rằng dù mình có phạm lỗi hay thất bại, bố mẹ vẫn luôn ở bên và cùng mình vượt qua những khó khăn phía trước.
Những đứa trẻ được nuôi dạy trong môi trường đầy tình yêu thương và tiếng cười không chỉ tự tin mà còn phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần.
Hãy quan tâm đến ngoại hình của trẻ
Cũng giống người lớn, trẻ sẽ tự tin hơn khi có ngoại hình chỉnh chu và thu hút. Do đó hãy chăm chút ngoại hình của trẻ bằng cách cho con một chế độ dinh dưỡng và tập luyện tốt nhất để bé có thể có được những nền tảng tự tin. Hãy để trẻ tự chọn trang phục đến trường và đi chơi, bạn có thể đưa ra những góp ý giúp con chọn lựa được trang phục phù hợp với hoàn cảnh. Bé sẽ nhận được những lời khen từ bạn bè, thầy cô và mọi người, điều đó giúp con tự tin hơn.
Luôn tôn trọng bé, luôn khiến bé có vị trí quan trọng, đó là cách để cha mẹ dạy cho con vững vàng đứng và nói trước đám đông.
Đừng ép buộc trẻ
Hãy để trẻ làm mọi việc trong một tâm thái thoải mái nhất, vui vẻ nhất. Bạn không nên ép buộc nếu trẻ không muốn. Mặt khác, bạn nên cho trẻ tiếp xúc dần với nhiều môi trường khác nhau để trẻ làm quen với đám đông và làm quen với người khác. Đến khi trẻ cảm thấy "an toàn" trẻ sẽ dễ dàng mở lòng và tự tin hơn.
Dạy con biết lắng nghe
Trước khi trẻ có thể là người nói tốt thì trẻ nhất thiết phải là người nghe tốt đã. cha mẹ hãy hướng dẫn con cách đừng vội cắt ngang lời người khác mà phải luôn lắng nghe một cách lịch sự, luôn quan sát thái độ của người khác, chờ đến lượt mình mới trình bày ý kiến. Việc này nghe thì to tát, nhưng thật ra bạn có thể tập với con hằng ngày. Chẳng hạn, khi bé và em tranh nhau "mách tội" với cha mẹ thì bạn nên ngăn con lại, chấn chỉnh con một cách thật nhẹ nhàng, để từng đứa trẻ lần lượt nói, và đứa trẻ này nói phải có đứa trẻ kia nghe. Khi trẻ học được cách lắng nghe, trẻ sẽ "luyện" dần cho mình cách nói chuyện thuyết phục, có đầu có đuôi, logic để thuyết phục người khác.
Ghi nhận những thành công và động viên khuyến khích trẻ
Lời khen là một ghi nhận cho thành tích của con, tuy nhiên không nên khen ngợi quá khoa trương để trẻ dễ dàng tiếp nhận lời khen đó. Chúng ta làm điều đó là sự tự hào, muốn ghi nhận và tin tưởng vào sự quyết tâm, cũng như những cố gắng của con. Khi bé thấy bố mẹ khen ngợi mình, bé cũng sẽ tự tin hơn vào bản thân.
Bố mẹ hãy là tấm gương cho con
Bố mẹ muốn có những đứa con tự tin trước hết phải làm gương cho con, luôn chia sẻ yêu thương và rèn luyện những đức tính tốt để con học theo, điều đó sẽ giúp bé tự tin hơn và bố mẹ cũng đang tự hoàn thiện bản thân mình.