Để chuẩn bị cho việc sinh em bé thứ hai, các bậc cha mẹ thường băn khoăn không biết làm thế nào để con đầu lòng dễ dàng thích nghi cũng như có tình cảm với em bé sắp chào đời. Chính vì thế việc làm "công tác tư tưởng" với con ngay từ khi em còn ở trong bụng mẹ rất quan trọng với những trẻ sắp trở thành anh/chị.
Nguồn ảnh minh hoạ: Internet
Những đứa trẻ mới chập chững biết đi chưa biết cách để nói ra cảm xúc của chúng nhưng hành vi của chúng có thể sẽ trở nên tiêu cực khi có em bé thứ hai chào đời. Nhóc sẽ cố tình lảng đi những thói quen đã được dạy hàng ngày, bỏ ăn, la khóc, cáu giận và làm đủ mọi trò chỉ để thu hút sự chú ý của bố mẹ.
Song những rắc rối này sẽ qua nhanh nếu bạn biết cách giúp con mình điều chỉnh thái độ theo hướng thay vì tức tối thì hãy chào đón em bé sắp sửa chào đời. Dưới đây là một số cách giúp các ông bố bà mẹ xử lý tình huống này:
Làm anh/chị là một bước trưởng thành
Hãy cho con thấy vị trí bé nhất nhà của con sẽ được thay thế bằng một em bé, có nghĩa là con đã "lớn" và con có "tầm quan trọng to lớn" trong việc sẽ dạy dỗ và chăm sóc em. Em bé sẵn sàng chơi với anh/chị khi em bé biết chơi, rất cần sự bảo vệ và che chở của anh/chị, hãy coi bé như một người lớn "thực sự" để bé có thể phát huy hết những "trách nhiệm to lớn" của mình với em.
Nói cho con biết sự có mặt của em bé là một niềm vui
Một trong những điều quan trọng bạn cần làm khi chuẩn bị tâm lý cho bé là giải thích về việc bé sẽ có em. Hãy nói với bé, bé sắp được làm anh/chị và anh chị sẽ có những niềm vui gì. Bạn cần nuôi dưỡng tình thân cho hai bé bằng cách nói về niềm vui chung mà bé và em có được khi bên nhau.
Bố mẹ có thể cho con xem những hình ảnh siêu âm của em bé khi em còn trong bụng mẹ, nếu có thể hãy đưa con đi cùng mỗi khi mẹ khám thai để bé nhìn thấy sự hiện diện của em, khuyến khích con nói chuyện với em ngay cả khi em chưa chào đời.
Thảo luận với con về sự thay đổi của bố mẹ
Sau khi đã nói với trẻ về niềm vui có em, hãy nói với trẻ về sự thay đổi của bố mẹ. Giải thích với trẻ việc tại sao em lại cần sự quan tâm của bố mẹ hơn và vị trí của trẻ vẫn quan trọng với bố mẹ ra sao. Khi nói chuyện, bạn cũng cần khuyến khích trẻ nói ra suy nghĩ của mình để hiểu hơn cảm xúc của trẻ.
Cho trẻ quyết định chọn đồ cho em bé
Để cho nhóc tì được quyền lựa chọn đồ trong phòng của em bé mới sinh. Nếu con cái của bạn sẽ ngủ cùng phòng với nhau thì nhất thiết nên để cho con đầu được quyền chọn đồ vật để trong phòng.
Bố mẹ có thể khuyến khích con chọn những đồ chơi đặc biệt mà hai trẻ có thể chơi chung với nhau, có thể là một quyển sách để cùng nhau đọc hoặc một món đồ nào đó cả hai con có thể chơi chung, hoặc chỉ đơn giản là tặng cho nhóc anh/chị một chiếc ghế đặc biệt dành riêng cho nhóc có thể ngồi mỗi khi mẹ cho em ăn.
Nói về em bé
Mẹ và trẻ nên có nhiều cuộc nói chuyện về em bé. Mẹ hãy kể các em bé sẽ thế nào khi được sinh ra, nói về chuyện các em bé ngủ nhiều, ăn nhiều và khóc cũng nhiều. Bạn cũng nên giải thích với trẻ, em bé lúc mới sinh sẽ không thể chơi cùng con, nhưng khi em bé lớn hơn, hai anh/chị em sẽ cùng nhau vui chơi thế nào.
Để trẻ giúp đỡ mẹ chăm em
Khi trẻ chưa thể chơi xe lửa hay nấu ăn với em, bạn hãy để trẻ giúp và tham gia vào việc chăm sóc em, làm những công việc nhỏ cho em. Khi được tham gia vào việc chăm sóc em, trẻ sẽ cảm nhận mình thực sự là một anh/chị lớn.
Bố mẹ đừng thay đổi
Việc có thêm một em bé sẽ khiến cuộc sống bạn thay đổi, nhưng hãy cố gắng đừng để điều đó xảy ra trong mối quan hệ của bố/mẹ với trẻ lớn. Nếu bạn luôn có mặt ở bên cạnh con vào mỗi buổi sáng và buổi tối, hãy tiếp tục thực hiện việc đó. Bạn đừng nghĩ, chỉ cần nói với con "Bố/mẹ vẫn yêu con" hay "Con vẫn quan trọng nhất với bố/mẹ" là đủ. Những câu nói kiểu đó chỉ làm trẻ thêm nghi ngờ và sự nghi ngờ sẽ trở nên rõ ràng hơn khi bạn thay đổi nếp sinh hoạt đã có cùng trẻ trước đó. Hãy giữ mọi thứ đúng như cũ sẽ giúp con bạn cảm thấy yên tâm và thích nghi với người mời dễ dàng hơn.
Tác giả: admin