Những điều nên tránh khi trẻ đang cáu giận:
- Không bỏ mặc trẻ một mình: Để mặc con một mình trong cơn giận có thể khiến trẻ nghĩ rằng con phải tự mình vật lộn với cảm xúc đáng sợ (trong khi con chưa có khả năng này), đi ngược lại với những lời khẳng định, yêu thương cha mẹ thường nói với con. Có thể đưa con vào một nơi an toàn và yên tĩnh hơn, ngồi cách xa con với thái độ bình tĩnh để con biết mình vẫn có sự hỗ trợ; có thể “lén” quan sát con qua gương, kính. Khi con nhất định muốn ở một mình, hãy nói yêu con trước khi rời đi và bằng mọi giá hãy cho con biết con luôn có thể đổi ý, tìm đến người lớn nếu con cần.
- Không tranh thủ dạy bảo: Hãy nói chuyện, phân tích cùng con khi cả hai đã bình tĩnh. Bởi, khi đang nóng nảy, người lớn cũng sẽ không muốn bị “lên lớp”. Các bé cũng vậy. Cảm xúc dâng trào tạm thời làm mất đi khả năng tiếp nhận thông tin, lý lẽ. Khi nói chuyện, hãy đặt câu hỏi mở để trẻ nói lên suy nghĩ của mình trước, và lắng nghe trẻ chia sẻ với thái độ ân cần, kiên nhẫn. Sau đó đến lượt cha mẹ nêu ý kiến, giải thích; sử dụng ngôn ngữ đơn giản, giọng điệu ấm áp, cảm thông với những giới hạn của trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy được yêu thương, tôn trọng, và khi đó những gì chúng ta muốn dạy trẻ sẽ được tiếp thu dễ dàng hơn.
4 bước giúp con kiểm soát cơn giận
Bước 1: Giữ bình tĩnh.
Vì sao cha mẹ cần bình tĩnh?
- Vì: không thể trấn an con khi bản thân đang mất bình tĩnh. Nếu cha mẹ nóng giận, trẻ mất đi điểm tựa để trấn tĩnh trở lại.
- Vì: trẻ thường học hỏi nhanh nhất qua quan sát và bắt chước. Con sẽ “copy” cách cha mẹ ứng xử dù là tích cực hay tiêu cực. Đối với con, hành vi của cha mẹ là chuẩn mực.
- Vì: trẻ ghi nhớ cha mẹ thường phản ứng nhanh nhất và nhiều nhất với điều gì, và tiếp tục lặp lại hành vi đó khi cần nêu ý muốn.
Bước 2: Tin lời con.
Đây là bước quan trọng để dần xoá bỏ xu hướng ăn vạ, lớn tiếng ở trẻ. Khi trẻ biết rằng con không cần hét lên để được công nhận, không cần khóc lóc để được bố mẹ chăm sóc, con sẽ giảm hành vi tiêu cực.
Dù trẻ có những ý nghĩ “vô lý”, hãy ghi nhận ý kiến của con mà không cần phải đồng tình với trẻ. Trẻ cũng là một cá thể độc lập với những suy nghĩ, tình cảm riêng biệt. Hãy luôn để con cảm thấy rằng, những gì mà con cảm nhận là thật đối với bản thân con. Ví dụ: “Con thấy hộp sữa hôm nay có vị không giống hôm qua phải không? Bố/mẹ hiểu rồi”, dù 2 hộp sữa giống hệt nhau!
Bước 3: Gọi tên cảm xúc của con.
Ví dụ: “Con đang cảm thấy rất sợ đúng không?” Hoạt động này luyện cho trẻ cách nhận biết cảm xúc, dần dần làm giảm sự đáng sợ của cảm xúc đó đối với trẻ.
Tiếng nói của cha mẹ qua thời gian sẽ trở thành tiếng nói bên trong của con, hướng dẫn con tự tiết chế.
Bước 4: Cho con được giải tỏa hết cảm xúc ở một nơi yên tĩnh, và thật an toàn.
Nguyên lý là “muốn nhanh thì phải từ từ” – muốn cảm xúc cao trào nhanh chóng qua đi thì hãy cho con thời gian để trở lại bình thường, không thúc giục. Đảm bảo không có vật sắc nhọn, đồ dễ vỡ, quý giá trong không gian; nếu được, hãy đặt cạnh con một số đồ vật mềm như gối, thú bông…sẽ giúp con dịu lại nhanh hơn.
Áp dụng những cách thức trên đòi hỏi cha mẹ cũng cần luyện tập điều hoà cảm xúc của riêng mình, để cùng con nâng cao trí tuệ cảm xúc, yếu tố quan trọng để thành công khi trưởng thành.