Chủ quan cho rằng, con sinh đủ ngày, đủ tháng và ăn tốt là không mắc bệnh vàng da, bà mẹ trẻ suýt phải trả giá đắt khi đưa con đến viện quá muộn.
Sau 9 tháng 10 ngày mang thai, chị Đỗ Thị Hoa (24 tuổi, ở Hà Nội) vô cùng hạnh phúc khi con trai cất tiếng khóc chào đời với cân nặng 3,9kg.
Sau khi sinh, con chị Hoa phát triển bình thường, ăn ngủ tốt tuy nhiên bé có biểu hiện bị vàng da. Nghĩ rằng con ăn được, ngủ được, sinh đủ ngày, đủ tháng với cân nặng vượt chuẩn nên chị Hoa chủ quan không cho con đi thăm khám.
Nhưng đến khoảng gần 1 tháng sau, con trai chị Hoa vẫn chưa hết vàng da, khi đó chị mới giục chồng đưa con vào BV Xanh Pôn khám.
Tại đây, các bác sĩ thông báo con chị Hoa bị vàng da bệnh lý và cần phải điều trị.
Chị Hoa suýt phải trả giá đắt vì sự chủ quan của mình.
“Khi bác sĩ thông báo bệnh tôi vô cùng sốc vì không chỉ tôi mà rất nhiều người khác lâu nay vẫn nghĩ rằng vàng da chỉ gặp ở những trẻ sinh non, thiếu cân. Trong khi đó con nhà tôi sinh đủ tháng, cân nặng vượt tiêu chuẩn, vậy mà vẫn bị vàng da”, chị Hoa chia sẻ.
Sau khi cho con nhập viện điều trị, chị Hoa đã được các bác sĩ phân tích nguyên nhân khiến cháu bé vàng da là do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con. “May mắn là con tôi được đưa đến viện kịp thời, nên không để lại di chứng gì về não”, chị Hoa cho biết.
PGS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, vàng da bệnh lý thường xuất hiện ở trẻ sinh non, trẻ đẻ ngạt và do bất đồng nhóm máu mẹ - con hệ ABO (VD: mẹ nhóm máu O, con nhóm máu A hoặc B…); bất đồng nhóm máu mẹ - con hệ Rh...
“Mọi người cần phải hiểu rằng từ vàng da sinh lý chuyển sang vàng da bệnh lý rất mong manh và thường khó nhận diện do nhiều trẻ không có các dấu hiệu chỉ điểm như: Kích thích, vật vã hoặc li bì, bỏ bú mà đôi khi trẻ vẫn bú, vận động và ngủ bình thường.
Khi xuất hiện những dấu hiệu lâm sàng điển hình như tăng trương lực cơ, rối loạn hô hấp, co giật, li bì hoặc khóc thét thì đã rất nặng”, PGS Dũng phân tích.
PGS Dũng cho biết, vàng da bệnh lý để lại rất nhiều biến chứng nguy hiểm.
PGS Dũng cho biết, khi đó, dù có điều trị được thì cũng sẽ để lại những di chứng rất nặng nề.
Nếu trẻ bị vàng da sơ sinh bệnh lý không được điều trị kịp thời, chỉ trong 7 ngày đầu đời, chất bilirubin sẽ qua hàng rào máu não gây hội chứng vàng da nhân não, để lại nhiều di chứng về thần kinh hết sức trầm trọng mà không thể phục hồi như: điếc, chậm phát triển về vận động và trí tuệ.
Theo vị chuyên gia này, thời gian vàng để điều trị hiệu quả cho trẻ mắc bệnh vàng da chỉ trong 7 ngày đầu sau sinh bằng biện pháp chiếu đèn hoặc phối hợp truyền dịch. Nếu để muộn hơn thời gian này thì da bé dày hơn và phương pháp chiếu đèn sẽ không còn hiệu quả.
PGS Nguyễn Tiến Dũng hướng các bước phát hiện trẻ sơ sinh bị vàng da:
- Tập trung theo dõi sát con trong 7 ngày đầu đối với tất cả các trẻ sinh non hoặc sinh thường.
- Dùng ngón tay trỏ ấn nhẹ trên mặt da của trẻ, sau đó giữ vài giây và quan sát độ vàng của da ở vùng da vừa mới ấn.
- Quan sát da trẻ theo thứ tự từ trên xuống dưới: Bắt đầu từ trán – ngực – bụng – đùi – cẳng chân.
- Nếu chỉ thấy vàng da từ trán xuống ngực thì không cần cho trẻ đi khám, chỉ cần theo dõi ở nhà.
- Nếu thấy trẻ vàng da đến bụng hoặc đến đùi, cẳng chân thì cần phải đưa trẻ đến cơ sở khoa Nhi có khoa sơ sinh để khám ngay. Tại đây các bác sĩ sẽ đánh giá sâu hơn bằng hình thức khám lâm sàng và xét nghiệm định lượng bilirubin trong máu
Lưu ý: Đánh giá vàng da ở trẻ sơ sinh dưới ánh sáng tự nhiên (ánh sáng ngoài trời). Không nên quan sát dưới ánh đèn neon hoặc đèn thường vì sẽ không xác định được rõ trẻ có vàng da hay không.