Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ
So với người trưởng thành, nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ rất lớn do tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh, trẻ càng nhỏ nhu cầu càng cao, đặc biệt trong những năm đầu đời, trẻ ở lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì.
Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển cơ thể của trẻ, ngay từ khi còn là bào thai chế độ dinh dưỡng của người mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thai nhi, một đứa trẻ khỏe mạnh đủ cân ít có nguy cơ bị suy dinh dưỡng sau này. Tuy nhiên sau khi sinh, việc chăm sóc, nuôi dưỡng đúng khoa học về dinh dưỡng sẽ là yếu tố quyết định cho trẻ phát triển khỏe mạnh, thông minh.
Về nhu cầu năng lượng: năng lượng hàng ngày của trẻ tùy theo tuổi, giới tính và hoạt động thể lực. Nhu cầu năng lượng khuyến nghị trung bình như sau:
Trẻ trai (Kcalo/ngày): trẻ ≤ 5 tháng là 550, từ 6 - 8 tháng là 650, từ 9 - 11 tháng là 700, từ 1 - 2 tuổi là 1.000, từ 3 - 5 tuổi là 1.320, từ 6 - 7 tuổi là 1.570, từ 8 - 9 tuổi là 1.820, từ 10 - 11 tuổi là 2.150, từ 12 - 14 tuổi là 2.500, từ 15 - 19 tuổi là 2.820.
Trẻ gái (Kcalo/ngày): trẻ ≤ 5 tháng là 500, từ 6 - 8 tháng là 600, từ 9 - 11 tháng là 650, từ 1 - 2 tuổi là 930, từ 3 - 5 tuổi là 1.230, từ 6 - 7 tuổi là 1.460, từ 8 - 9 tuổi là 1.730, từ 10 - 11 tuổi là 1.980, từ 12 - 14 tuổi là 2.310, từ 15 - 19 tuổi là 2.380.
Về chất đạm: protein có vai trò hết sức quan trọng là nguyên vật liệu xây dựng lên cấu trúc và tái tạo các tổ chức trong cơ thể, là thành phần chính của kháng thể, các men và nội tiết tố, nó đóng vai trò hình thành và phát triển hệ thần kinh, phát triển trí tuệ và tầm vóc. Năng lượng do protein cung cấp chiếm khoảng 18% năng lượng tổng số. Trẻ nhỏ nhu cầu protein và tỉ lệ protein động vật trên protein tổng số cao hơn trẻ lớn. Nhu cầu protein hàng ngày của trẻ như sau:
Trẻ trai (g/ngày): trẻ ≤ 5 tháng là 11, từ 6 - 8 tháng là 18, từ 9 - 11 tháng là 20, từ 1 - 2 tuổi là 20, từ 3 - 5 tuổi là 25, từ 6 - 7 tuổi là 33, từ 8 - 9 tuổi là 40, từ 10 - 11 tuổi là 50, từ 12 - 14 tuổi là 65, từ 15 -19 tuổi là 74.
Trẻ gái (g/ngày): trẻ ≤ 5 tháng là 11, từ 6 - 8 tháng là 18, từ 9 - 11 tháng là 20, từ 1 - 2 tuổi là 19, từ 3 - 5 tuổi là 25, từ 6 - 7 tuổi là 32, từ 8 - 9 tuổi là 40, từ 10 - 11 tuổi là 48, từ 12 - 14 tuổi là 60, từ 15 - 19 tuổi là 63.
Chất béo: năng lượng từ chất béo cung cấp so với năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi chiếm từ 30 - 40%, trẻ từ 3 - 5 tuổi chiếm 25 - 35% , trẻ từ 6 - 19 tuổi chiếm 20 - 30%.
Các vitamin và muối khoáng: cần chú ý đến các loại vitamin: A, B1, B2, PP, C và các loại muối khoáng như Fe, P, Zn. Để cung cấp đủ vitamin và muối khoáng cần phải cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm trong ngày cũng như trong từng bữa ăn.
Cho trẻ uống đủ nước, đề phòng bệnh tật
Nước chiếm tới 60 - 70% trọng lượng cơ thể, ở bào thai và trẻ em tỉ lệ này còn cao hơn. Nước có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, một trong các chức năng đó là tham gia vào cơ chế điều hòa thân nhiệt. Thân nhiệt chỉ dao động trong một giới hạn hẹp khi nhiệt độ môi trường sống thay đổi. Mồ hôi được bài tiết tăng theo nhiệt độ của môi trường. Thiếu nước thì quá trình tỏa nhiệt giảm đi, thân nhiệt sẽ tăng lên. Vì vậy, mùa hè nắng nóng cần chú ý đến bổ sung nước cho trẻ trong khi ăn và ngoài các bữa ăn.
Mùa hè trẻ hay mắc một số bệnh như: tiêu chảy, sốt dịch... một trong số các nguyên nhân gây bệnh cho trẻ có liên quan đến ăn uống. Mùa hè nhiệt độ cao thức ăn dễ bị ôi thiu, việc cho trẻ ăn các thức ăn này dẫn đến bệnh tiêu chảy. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần phải lựa chọn thực phẩm tươi, thức ăn cần nấu chín (đun sôi) trước khi ăn. Nếu thực phẩm còn lại sau mỗi bữa ăn cần bảo quản thật tốt. Mùa hè, trẻ hay khát nước nên khi cho trẻ ăn cần chú ý nước uống, không nên cho trẻ uống nước mát để trong tủ lạnh, nước đá dễ bị viêm họng. Trong khi ngủ, trẻ hay ra hồ hôi cần lau khô bằng khăn mềm để chống nhiễm lạnh.
Với mùa hè nắng nóng, nhiệt độ cao, thậm chí còn cao hơn thân nhiệt của cơ thể (> 370C) làm cho trẻ mất nước, mệt mỏi, ăn uống kém. Vì vậy, việc cho trẻ ăn để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng là rất quan trọng. Cho trẻ ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng và chế biến thức ăn sao cho dễ tiêu. Ngoài bữa ăn của trẻ, các bà mẹ cần chú ý đến nhu cầu nước của trẻ vì mùa hè nhu cầu nước sẽ cao hơn các mùa khác.
Thực đơn bữa ăn của trẻ trong mùa hè:
Mùa hè, thời tiết nóng trẻ thường chán ăn, vì vậy cần cho trẻ ăn những loại thức ăn dễ tiêu hóa. Các loại hoa quả chín chứa nhiều vitamin C: cam, chanh, quýt, bưởi... các thực phẩm giàu chất đạm: sữa mẹ, sữa bò, sữa đậu nành, trứng, thịt, cá.
Ví dụ chế độ ăn của trẻ từ 1 - 2 tuổi như sau:
- Bú mẹ nhiều lần trong ngày, nếu mẹ không có sữa cho bé uống sữa ngoài 400 ml/ngày
- Ăn 4 bữa cháo mỗi ngày, ăn quả chin theo nhu cầu của trẻ. Lượng thực phẩm trong ngày của trẻ như sau:
Gạo tẻ: 100 - 150g; Thịt hoặc cá, tôm: 100 - 120g. Rau xanh: 50 - 100g. Quả chin: 150 - 200g; Dầu, mỡ: 25 - 30g. Trứng gà 3 - 4 quả/tuần