1. Đón nhận và tôn trọng nỗi sợ hãi của con
Cha mẹ hay nói những câu như “Không có gì phải sợ đâu”. Về bản chất, câu nói này không giúp cho trẻ cảm thấy bớt sợ hãi mà là một biểu hiện của sự “né tránh” chứ không phải “đối diện” với nỗi sợ, và “né tránh” sẽ khiến nỗi sợ bị đè nén chứ không hề biến mất. Việc “né tránh” thường chỉ là tác động nhất thời và khi không được tiếp cận một cách lành mạnh, nỗi sợ sẽ tiếp tục trở lại vào một ngày khác… Câu nói như vậy có thể gửi thông điệp tới cho trẻ rằng “Cha/mẹ không tin vào nỗi sợ của mình”, hoặc “Mình không được phép cảm thấy sợ hãi”. Từ đó trẻ khó mở lòng chia sẻ với cha mẹ hơn.
Bước đầu tiên trên hành trình cùng con đi qua nỗi sợ luôn bắt đầu từ việc đón nhận nỗi sợ của con với những lời động viên, an ủi “Không sao đâu, con an toàn rồi, mẹ ở đây” và biết rằng nỗi sợ là một dạng cảm xúc bình thường mà con cần trải qua. Đối với các con, điều đáng sợ nhất không phải là những gì đang thực sự xảy ra, mà là những suy nghĩ, tưởng tượng ở trong tâm trí.. Vì vậy, cha mẹ hãy sẵn sàng lắng nghe tất cả những chia sẻ để thấu hiểu và giúp con bước qua nỗi sợ ấy.
2. Đối diện và chia sẻ về nỗi sợ bằng cách đặt câu hỏi
Không phải bạn nhỏ nào cũng biết cách nói về những nỗi sợ của mình, vì vậy cha mẹ cần đặt câu hỏi để con có thể trả lời và chia sẻ. Ví dụ, nếu con cứ bám theo và không muốn xa mẹ, mẹ có thể hỏi “Điều gì khiến con sợ khi mẹ không có mặt ở đây?”, “Con đang lo lắng cho mẹ hay cho con?”, “Con đang tưởng tượng điều gì sẽ xảy vậy?”. Hay nếu như con sợ những chú chó, hãy đặt câu hỏi “Vì sao con thấy chó lại đáng sợ?”, “Có con chó nào làm con giật mình hay làm con ngã không?”, “Có con chó nào dọa con sợ không?”…
Thông qua những câu trả lời, chúng ta có thể xác thực được điều mà con sợ cũng như nguyên nhân khiến con sợ hãi. Thấu hiểu sẽ giúp cha mẹ định hướng rõ ràng hơn về cách giúp con vượt qua nỗi sợ. “Có vẻ như con đang lo lắng rằng nếu con không ở gần mẹ, thì có chuyện sẽ xảy ra đúng không? Mẹ cảm nhận được rằng con đang lo lắng, đúng không con?” – Hãy để con biết rằng cha mẹ đang đón nhận và rất nghiêm túc với nỗi sợ của con, và cha mẹ ở đây để giúp con.
3. Từng bước đi qua nỗi sợ bằng cách “Lập kế hoạch”
Cha mẹ có thể cùng con lập kế hoạch với những mục tiêu hợp lý. Hãy cùng con thực hiện nó với sự nỗ lực và kiên nhẫn. Nếu như con rất sợ phải ngủ một mình, kế hoạch dưới đây có thể là một gợi ý, và tất nhiên cũng cần có sự linh hoạt tùy theo từng bé. Mỗi giai đoạn trong kế hoạch có thể kéo dài 1 ngày đến vài ngày:
- Giai đoạn 1: Đọc 2 cuốn sách trước khi ngủ, tắt đèn, bật đèn ngủ và sau đó cha/mẹ yên lặng ngồi cạnh con (không nói chuyện hoặc chơi đùa) cho đến khi con chìm vào giấc ngủ.
- Giai đoạn 2: Đọc 1 cuốn sách trước khi ngủ, sau đó tắt đèn và bật đèn ngủ. Cha/mẹ sẽ để cửa hở và ở ngay bên ngoài, nhưng không ở trong phòng.
- Giai đoạn 3: Đọc 1 cuốn sách trước khi ngủ, sau đó bật đèn ngủ và đóng cửa lại.
- Giai đoạn 4: Đọc 1 cuốn sách trước khi ngủ, sau đó tắt đèn và đóng cửa lại.
4. Tăng cường tư duy và trải nghiệm thực tế để chứng minh một số nỗi sợ là không có thật
Nỗi sợ hãi khiến con dễ dàng nghĩ rằng điều tồi tệ nhất sắp xảy ra, đó là cách não bộ cố gắng bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm. Cha mẹ cũng có thể chia sẻ với con về điều này, rằng không phải lúc nào não bộ cũng biết rằng mối nguy hiểm là thật hay giả. Việc khuyến khích con trở thành một “thám tử tư duy” hay đưa ra những trải nghiệm thực tế sẽ giúp con thay đổi nỗi sợ và có niềm tin vào giới hạn của mình.
Ví dụ như khi con cảm thấy “hình như có một con quái vật dưới gầm giường”, cha mẹ hãy khuyến khích con trở thành thám tử, tìm hiểu xem đó là sự thật hay chỉ là cảm giác, cùng con kiểm tra dưới gầm giường xem thật sự có gì. Khi có cha mẹ ở bên để hỗ trợ, hãy để trẻ tự thấy, tự quan sát, giúp trẻ cảm nhận được sự can đảm của mình. Khi con đã “mắt thấy tai nghe” và tự mình thu thập bằng chứng rằng dưới gầm giường thực sự không có gì cả là lúc con sẽ có cảm giác vững tin và an toàn hơn.
5. Giáo dục con tự điều chỉnh, tự trò chuyện và dần không phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ
Khi những nỗi sợ của con xuất hiện, việc an ủi và xoa dịu giúp trẻ bình tĩnh là những bước đầu cần thiết. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần có sự cân bằng để con học được sự độc lập, lòng can đảm và cách quản lý nỗi sợ mà không phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ, bởi đứa trẻ nào cũng sẽ lớn lên và sự độc lập cần được bồi đắp từng bước một thông qua việc “tự điều chỉnh”.
Tự điều chỉnh về cơ bản là khả năng quản lý cảm xúc và hành vi một cách lành mạnh. Đó có thể bao gồm việc hít thở sâu và tự trò chuyện với bản thân khi nhận diện được nỗi sợ. Dần dần, khi quen với việc chia sẻ cùng cha mẹ, trả lời những câu hỏi, tự tư duy và trải nghiệm, trẻ sẽ có thể biết cách tự đối mặt, tự trấn an và đi qua nỗi sợ một cách độc lập. Việc “tự điều chỉnh” này cần có thời gian, nghĩa là đôi lúc cha mẹ cũng cần yên tâm để con trải nghiệm nỗi sợ một chút, và rồi có thể tự tìm hiểu và bước qua nó.
6. Tiếp tục khích lệ, động viên và kiên nhẫn với con
Cuối cùng, cha mẹ cần luôn nhớ rằng bất cứ sự thay đổi nào đều cần có sự kiên nhẫn. Hãy kiên định nhưng cũng không quên khen ngợi sự nỗ lực của con từ những điều nhỏ nhất thông qua sức mạnh của ngôn từ: “Mẹ nghĩ con thực sự dũng cảm khi ở trong phòng một mình 30 phút như vậy đấy. Để xem liệu ngày mai chúng ta có thể làm được tốt hơn thế không nhé!”. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo “30 lời động viên ý nghĩa dành cho trẻ” tại đây.
Đối diện với nỗi sợ một cách đúng đắn không những giúp trẻ trở nên can đảm, mà còn có thể đồng cảm và sống tự do hơn. Một bạn nhỏ từng bước vượt qua nỗi sợ theo cách lành mạnh sẽ không bao giờ nhìn nỗi sợ của người khác và phán xét rằng họ thật yếu đuối. Con sẽ biết rằng họ đang có một hành trình để học về “Lòng can đảm”. Giáo dục con đi qua nỗi sợ hãi là giúp con phát triển Trí tuệ cảm xúc và cảm thông hơn với những nỗi sợ của người khác, con sẽ hiểu rằng đằng sau nỗi sợ chính là “Lòng can đảm” và “Sự đồng cảm”.