Thời tiết chuyển mùa, bệnh cúm đã bắt đầu xuất hiện, mọi người cần cảnh giác cao với căn bệnh này vì có thể gây thành dịch, làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ.
Trong bối cảnh thời tiết thay đổi do chuyển mùa từ thu sang đông sẽ có rất nhiều bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gia tăng (cả số mắc và cả có nguy cơ bùng phát dịch). Đặc biệt, có những bệnh tưởng như bệnh thông thường, rất dễ mắc khi thay đổi thời tiết, nhưng chủ quan có thể gây tử vong. Vì vậy, khi thời tiết thay đổi thường xuất hiện những bệnh viêm đường hô hấp, trong đó bệnh cảm lạnh và cúm là rất dễ xảy ra, bởi vì với thời tiết này các loại vi sinh vật gây bệnh rất thuận lợi để phát triển, đặc biệt là các loại virut cúm. Đồng thời ở nước ta đang có mầm bệnh cúm, nhất là loại cúm A/H1N1 (cúm thường).
Bệnh cúm lây lan thế nào?
Bệnh cúm là một căn bệnh truyền nhiễm thuộc đường hô hấp, nhất là đường hô hấp trên (mũi, họng hầu, thanh quản), virut làm tổn thương niêm mạc của miệng, mũi, họng hầu, thanh quản và có thể lan xuống đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản, tiểu phế quản...). Thường có 3 loại virut gây ra bệnh cúm, đó là virut cúm A, cúm B và cúm C. Các bệnh cúm do virut gây ra lây lan chủ yếu bằng không khí, trong đó có các hạt nước bọt nhỏ li ti do người bệnh ho, nói bắn ra và không khí có chứa virut cúm gây bệnh. Khi người lành hít phải các loại không khí này sẽ mắc bệnh cúm. Trong khí đó, bệnh cảm lạnh có một số triệu chứng tương tự như bệnh cúm nhưng nhẹ hơn. Cảm lạnh thường do một số virut đường hô hấp gây nên, phổ biến nhất là Rhinovirus, Coronavirus và Parainfulenzavirus.
Biểu hiện của bệnh cúm
Thời kỳ ủ bệnh của bệnh cúm thường ngắn (1-3 ngày). Khởi phát có đau rát họng, tiếp theo là nghẹt mũi, chảy nước mũi và có thể có hắt hơi (kéo dài vài, ba ngày). Cùng với đau rát họng là sốt cao (có thể muộn hơn một vài ngày), đau nhức toàn thân và ho. Bệnh thường kéo dài khoảng một tuần là lui bệnh (khỏi). Tuy vậy, bệnh cúm có thể gây nên một số biến chứng, thậm chí có thể gây tử vong.
Biến chứng gì thường gặp nhất
Đó là viêm phổi sau bệnh cúm, nhất là người có sức đề kháng kém (trẻ em, người cao tuổi, người suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tim, bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản mạn tính, COPD, hen suyễn, khí phế thũng...).
Bên cạnh các biến chứng thường gặp, ở trẻ em (từ 2- 16 tuổi, sức yếu, ăn uống không đủ chất...) có thể bị mắc thêm bệnh Reye, là bệnh cực kỳ nguy hiểm. Bệnh có thể xảy ra vài ngày sau khi bị cúm (khi các triệu chứng của cúm đã giảm dần), bỗng chốc xuất hiện buồn nôn và nôn thực sự. Nếu không cấp cứu kịp thời, khoảng 1-2 ngày, trẻ có các triệu chứng ngộ độc thần kinh như lờ đờ hoặc mê sảng, hoặc co giật, dần dần bị hôn mê và có thể tử vong.
Cần phân biệt bệnh cúm với bệnh cảm lạnh. Bệnh cảm lạnh thường sốt nhẹ, đau họng nhẹ, ho ít và thỉnh thoảng có hắt hơi và không kéo dài. Nếu không được điều trị đúng có thể dẫn đến viêm xoang hoặc viêm tai, tuy nhiên bệnh có thể tự khỏi.
Điều trị và phòng bệnh
Khi nghi bị cúm cần được xác định chắc chắn nguyên nhân gây bệnh, điều này sẽ diễn ra khi người bệnh được nhập viện kịp thời, nếu là do virút cúm, dùng thuốc kháng virút, đồng thời điều trị triệu chứng (giảm sốt, giảm ho…), nâng thể trạng và bù nước, chất điện giải bị mất do sốt.
Cần phòng cho người khác bằng cách tự người bệnh đeo khẩu trang và cách ly với người lành, những người có nguy cơ cao mắc cúm do lây truyền cũng cần đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với người bị cúm. Phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vắc-xin cho mọi người, nhất là những người cao tuổi có bệnh mạn tính.
Tác giả: BS. Việt Thanh