Trong những năm đầu của cuộc đời, chế độ dinh dưỡng và chăm sóc trẻ là điều rất cần thiết để trẻ khỏe mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Trong những năm đầu của cuộc đời, chế độ dinh dưỡng và chăm sóc trẻ là điều rất cần thiết để trẻ khỏe mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Đặc biệt khi trẻ mới ốm dậy, cơ thể và sức đề kháng còn rất yếu, nên bé cần được chăm sóc đặc biệt. Đôi khi những cách chăm sóc bé không đúng khoa học đã để lại những hậu quả không tốt và đáng ngại hơn cả là suy dinh dưỡng
Có nên bồi bổ quá mức?
Các bé sau khi ốm dậy thường bị sút cân, xanh xao và cơ thể yếu ớt. Các bậc cha mẹ thường hay xót con, liền lập tức ra chợ mua về đủ các loại thực phẩm dinh dưỡng để tẩm bổ cho con, hy vọng con sớm tăng cân khỏe mạnh trở lại. Và khi con không ăn được thì liền làm đủ mọi trò nịnh nọt, dọa nạt bé để bắt bé ăn. Đây quả thực là một thói quen xấu và sai lầm trong cách chăm sóc bé của các bậc cha mẹ. Bởi họ không hiểu được tâm lý của con lúc này.
Trên thực tế, trẻ vừa mới trải qua một thời kỳ khó khăn, mệt mỏi vì phải chống đỡ lại bệnh tật. Cơ thể bé còn yếu và mọi cơ quan, chức năng, tất nhiên không loại trừ cả hệ tiêu hóa của trẻ cũng còn đang rất mệt mỏi và ít hoạt động. Trẻ lúc này thường không có cảm giác thèm ăn, ngại ăn những loại thực phẩm rắn và lười tiêu hóa.
Để trẻ ăn ngon miệng và đủ chất dinh dưỡng
Lúc này bạn nên chiều theo ý muốn ăn uống của con, cho con ăn những món con ưa thích, mục đích là để kích thích trẻ có cảm giác muốn được ăn, thèm ăn. Tuy nhiên, những món ăn đó cần lành mạnh, không quá ảnh hưởng tới dạ dày và sự tiêu hóa của trẻ. Để bé có bữa ăn ngon, người chăm sóc trẻ phải biết cách chế biến thức ăn, nếu chỉ cho ăn nước thịt, nước xương, nước rau luộc thì dù ăn đủ số bữa trẻ vẫn suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu. Vì vậy ngay cả khi bé ốm vẫn phải cho trẻ ăn cả cái, kể cả rau xanh. Trẻ càng nhỏ thì thức ăn càng phải xay nhỏ, băm nhỏ, giã nhỏ. Muốn biết trẻ đã được ăn uống đúng và đủ chưa, cần theo dõi cân nặng của trẻ trên biểu đồ phát triển, nếu trẻ lên cân đều đặn tương ứng với kênh A trên biểu đồ là trẻ đã được nuôi dưỡng tốt. Còn không lên cân, hoặc tụt cân thì có thể trẻ bị bệnh hoặc nuôi dưỡng không đúng. Cần tìm nguyên nhân can thiệp sớm.
Ngoài ăn, bạn cũng nên lưu ý chuẩn bị và cho bé uống nước thường xuyên. Có những bé sẽ thích uống sữa, có bé lại bị nôn mửa khi uống. Có thể cho bé uống thay đổi các loại nước như: nước trắng, nước trái cây hoặc sữa tùy theo ý thích của bé nhưng không nên cho bé uống nước ngọt có ga.
Những việc cần làm trong chăm sóc bé ốm
Thay vì ép trẻ ăn nhiều trong mỗi bữa, mẹ hãy cho bé ăn thành nhiều bữa trong ngày, và số lượng cho từng bữa ít đi.
Mỗi bữa ăn cho trẻ cần giàu chất dinh dưỡng hơn, nên nấu nhừ, loãng cho bé dễ ăn. Không kiêng khem quá mức. Có những cha mẹ sai lầm khi không cho bé ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như: tôm, cá, dầu mỡ và các loại rau xanh. Điều này là sai.
Khi trẻ ốm sốt, hay sau khi ốm dậy cơ thể thường mệt mỏi, mất hoặc thiếu nước. Vì thế bạn cần cho bé uống nhiều nước, vì đây cũng là cách bé có thể bổ sung dinh dưỡng nhanh nhất và dễ dàng nhất, đặc biệt cần thiết đối với các bé bị tiêu chảy. Tuy nhiên nếu trẻ bị tiêu chảy nên tránh cho trẻ ăn những thức ăn có chứa nhiều đường, nước ngọt có ga vì có thể làm cho tình trạng tiêu chảy nặng hơn. Ngoài ra cần tránh các thức ăn có nhiều chất xơ, ít dinh dưỡng như rau thô, tinh bột nguyên hạt như ngô, đỗ gây khó tiêu cho trẻ.
Nếu trẻ bị viêm nhiễm hô hấp, bị sổ mũi cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để trẻ có thể bú mẹ và ăn uống bình thường.