Viêm tiểu phế quản là bệnh rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể phải nhập viện và cần sự hỗ trợ của máy thở và thuốc kháng virus. Nguyên nhân gây bệnh? Thủ phạm gây viêm tiểu phế quản là virus hợp bào hô hấp (RSV), thường gieo bệnh cho trẻ dưới 2 tuổi vào mùa đông và đầu xuân. Ở người già, bệnh có biểu hiện như chứng cảm lạnh thường. Triệu chứng điển hình của viêm tiểu phế quản ở trẻ gồm: - Ho - Khò khè - Khó thở - Ra nhiều mủ nhầy - Ăn uống kém Điều trị viêm tiểu phế quản bằng cách nào? Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp này, vì viêm tiểu phế quản do virus gây nên. Một loại thuốc kháng virus có tên là ribavirin có thể giúp trị bệnh, song dược liệu này không phổ biến vì có nguy cơ gây phản ứng phụ và thiếu tính thực tế trong sử dụng. Do đó, cách đối phó tốt nhất là hỗ trợ và dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Phần lớn trẻ nhỏ viêm tiểu phế quản RSV nhẹ thường bị ho và khò khè một chút, song nhìn chung vẫn ăn uống tốt và không cần sự hỗ trợ của máy thở hay viên thuốc nào. Trong một vài ngày, bệnh sẽ tự khỏi. Trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ sẽ thấy khó chịu vì triệu chứng thở khò khè và ra nhiều dịch nhầy, ngăn cản không khí tới các phế nang của phổi. Lúc này, trẻ cần thêm oxy, hoặc thậm chí phải dùng đến salbutamol - dược liệu làm giãn cơ phổi dùng trong bệnh hen suyễn. Một khâu quan trọng trong điều trị viêm tiểu phế quản là hút hết dịch nhầy, và việc này cần phải tới bệnh viện. Có phải trẻ nào cũng dễ mắc bệnh? Trẻ sơ sinh và những em gặp sự cố về hô hấp hoặc tim mạn tính có nguy cơ bị viêm tiểu phế quản nặng. Đã có văcxin đặc biệt dành riêng cho trẻ có nguy cơ cao. Hãy tham vấn bác sĩ về loại văcxin này. Có phải viêm tiểu phế quản sẽ phát triển thành hen suyễn? Một số người hiểu nhầm rằng viêm tiểu phế quản chắc chắn sẽ trở thành hen suyễn, nguyên nhân có thể do chúng có triệu chứng giống nhau. Cần biết rằng hen suyễn được định nghĩa là tình trạng tái diễn các cơn khò khè, ho và khó thở ở những trẻ không bị mắc bệnh phổi nào khác. Một số chuyên gia cho rằng những trẻ có di truyền dị ứng hoặc hen suyễn rất dễ bị nhiễm khuẩn RSV, trong khi số lại nói RVS có thể kích thích phát triển bệnh hen suyễn. Dù ở trường hợp nào, hiện tượng tái diễn bệnh là yếu tố quyết định. Nghĩa là nếu trẻ có biểu hiện tái phát triệu chứng nhiều lần thì đó có thể bệnh hen suyễn, còn nếu không tái phát thì đó là viêm tiểu phế quản.
Tác giả: admin