1. 15 phút mỗi ngày để tạo thói quen đọc sách cho con
Cha mẹ được khuyến khích nên đọc sách cho trẻ ít nhất 15 phút mỗi ngày kể từ khi con chào đời. Có thể chọn một khung giờ cố định hàng ngày để đọc sách cùng con (thường là trước giờ đi ngủ) để giúp trẻ hình thành thói quen này. Tất nhiên, cha mẹ cũng có thể đọc cho trẻ nghe bất kỳ lúc nào mà con hứng thú.
Với trẻ dưới 3 tuổi, hãy ôm trẻ vào lòng khi đọc sách, điều này giúp con cảm thấy được an toàn, ấm áp và thoải mái hơn. Trẻ cũng sẽ cảm nhận được rằng cha mẹ đang dành toàn bộ sự chú ý cho mình, để cùng khám phá những điều mới mẻ trong từng trang sách.
2. Chọn sách phù hợp với lứa tuổi của trẻ
Việc lựa chọn một cuốn sách phù hợp với độ tuổi là rất quan trọng. Ở mỗi độ tuổi, trẻ sẽ có sự phát triển về mặt hình ảnh, tư duy trực quan và nhận thức khác nhau. Mời Quý phụ huynh tham khảo Những gợi ý chọn sách cho trẻ dưới 3 tuổi tại đây.
3. Mẹo đọc sách giúp con tập trung và hào hứng
Trước khi đọc sách, cha mẹ nên cùng con trò chuyện ngắn về trang bìa của cuốn sách (tên câu chuyện; các hình ảnh, màu sắc trên trang bìa, tên tác giả…). Hãy lựa chọn đọc bất cứ cuốn sách nào mà trẻ mong muốn được đọc, ngay cả khi đó là cuốn sách giống nhau hàng đêm, thậm chí lặp lại hàng tuần…
- Cha mẹ nên đọc chậm và liền mạch, chỉ dừng lại khi cần giải thích từ vựng khó, không nên vừa đọc, vừa trò chuyện quá chi tiết về nội dung và hình ảnh trong trang sách.
- Chỉ tay vào từng chữ khi đọc để làm mẫu cách đọc sách cho trẻ (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới).
- Đọc diễn cảm, sử dụng các giọng khác nhau cho các nhân vật khác nhau, tăng hoặc giảm giọng một cách phù hợp và thu hút.
- Khuyến khích trẻ vỗ tay hoặc hát theo khi đọc những cuốn sách có nhịp điệu, bài hát.
- Khi đọc đến một cụm từ quen thuộc, hoặc lặp đi lặp lại trong sách, hãy tạm dừng để trẻ hoàn thành câu. Con rất thích hoàn thành các cụm từ cuối câu trong sách như vậy.
- Hãy nhờ trẻ giúp cha mẹ lật trang, và giúp tìm nhân vật/đồ vật trên trang sách, trẻ thường cảm thấy được ghi nhận khi có thể cùng tham gia vào việc đọc sách như thế.
Sau khi đọc sách, cha mẹ hãy dành thời gian để trò chuyện với con về nội dung câu chuyện hoặc đơn giản là thể hiện những cảm xúc tích cực với con về cuốn sách. Ví dụ: “Chà! Cuốn sách này hay quá!” hoặc “Mẹ cũng yêu con hệt như gấu mẹ.” Việc nối dài những cảm xúc tích cực trong câu chuyện sẽ khiến bé có những dấu ấn cảm xúc tích cực ngay từ khi còn rất nhỏ.
4. Hãy nhớ rằng trẻ không nhất thiết phải ngồi yên
Việc đọc sách cho các em bé dưới 3 tuổi, đặc biệt khi con mới biết đi và không chịu ngồi yên – có thể khiến cho các vị phụ huynh đôi khi nản lòng. Nhưng cha mẹ hãy kiên nhẫn và tiếp tục cố gắng nhé. Hãy lựa chọn những cuốn sách khác, và nếu vẫn không hiệu quả, cũng không nên áp đặt mà có thể thử lại vào một lần khác. Trẻ dưới 3 tuổi thích sự lặp đi lặp lại, vậy nên chỉ cần tìm được một cuốn sách mà con yêu thích, con có thể đọc nó ngày này sang ngày khác.
5. Hãy đặt sách truyện trong tầm với của trẻ
Trẻ mới biết đi thích tự mình chọn và xem những cuốn sách mà mình muốn. Vậy nên, hãy để sách trong giỏ trên sàn nhà hoặc trên giá thấp, nơi con có thể với tới và xem chúng một cách thoái mái. Cha mẹ cũng có thể giữ một số cuốn sách “ruột” trong túi của mình, phòng những lúc ở bên ngoài phải chờ đợi lâu như là tới khám bác sĩ, hoặc chờ xếp hàng … Ngoài ra, hãy cùng con ghé thăm nhà sách, để con luôn được lựa chọn cuốn sách mà mình yêu thích, giúp thói quen đọc sách của con trở nên vui vẻ và thú vị hơn.