4 kiểu cha mẹ nuôi dạy con cái – Hãy cùng xem bạn thuộc tuýp cha mẹ nào?
Kiểu cha mẹ nuôi dạy con là cách cha mẹ nuôi dạy con cái mình theo phong cách nào. Trong tâm lý học ngày nay, có bốn phong cách nuôi dạy con được công nhận: hỗ trợ, thờ ơ, nuông chiều và áp đặt. Mỗi người mang những đặc điểm khác nhau và mang lại những phản ứng khác nhau ở trẻ em mà chúng được cha mẹ sử dụng để nuôi dạy chúng.
Xin chú ý là mỗi đứa trẻ và mỗi gia đình là đều khác nhau hoàn toàn, không có một kiểu nào là phù hợp với tất cả mọi gia đình hay để nuôi dạy chung tất cả những đứa trẻ. Thậm chí, với thời gian khi đứa trẻ lớn lên cha mẹ cũng phải thay đổi kiểu nuôi dạy con cái mình cho phù hợp.
Tôi ví dụ, bạn không thể sử dụng 1 kiểu nuôi dạy con với một đứa trẻ dưới 1 tuổi và với một đứa trẻ đang bước vào tuổi teen. Ở độ tuổi dưới 1 tuổi bạn có thể sử dụng kiểu cha mẹ áp đặt, bạn sẽ áp đặt việc ăn, việc ngủ với đứa bé dưới 1 tuổi, nhưng bạn không thể sử dụng kiểu cha mẹ áp đặt khi con bạn vào tuổi teen được, bạn cần phải thay đổi để phù hợp với sự phát triển của con.
Dưới đây là một hướng dẫn đơn giản để giúp giải mã phong cách làm cha mẹ của bạn và cung cấp các đề xuất chung về cách nuôi dạy một thành viên hạnh phúc, có trách nhiệm, có ích cho xã hội.
1) Cha mẹ kiểu hỗ trợ và thấu hiểu
Nuôi dạy con theo kiểu này được coi là cách nuôi dạy con cái hiệu quả và có lợi nhất cho trẻ em. Cha mẹ thuộc tuýp này rất dễ nhận ra, vì họ được đánh dấu bởi những kỳ vọng cao cho con cái của mình, và cha mẹ hiểu con cần có sự hỗ trợ để đạt được những kỳ vọng này. Kiểu nuôi dạy con cái này tạo ra môi trường lành mạnh nhất cho một đứa trẻ đang lớn và giúp thúc đẩy mối quan hệ hữu ích giữa cha mẹ và con cái.
Cách nhận biết nếu bạn là cha mẹ kiểu hỗ trợ này:
- Con có kế hoạch, thời gian biểu về các công việc hằng ngày, con hiểu các quy tắc trong nhà của mình
- Con hiểu hậu quả việc vi phạm các quy tắc và không hoàn tất công việc của mình
- Con hiểu những mong đợi của cha mẹ về hành vi, thái độ của con, và những kỳ vọng này là hợp lý ở độ tuổi của con.
- Con có thể nói chuyện, chia sẻ, tâm sự với cha mẹ về bất cứ điều gì. Quan hệ giao tiếp với con và cha mẹ là thoải mái, tự nhiên, cởi mở, con không phải sợ hay e dè khi nói chuyện gì đó với cha mẹ mà sợ hậu quả tiêu cực, hay những lời phán xét khắc nghiệt từ cha mẹ?
Nếu cha mẹ trả lời có cho tất cả các câu hỏi trên, thì chúc mừng gia đình chúng ta là một gia đình khỏe mạnh. Cha mẹ thuộc tuýp có uy quyền nhưng thấu hiểu và hỗ trợ con hết mình, đồng hành phát triển cùng con.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên là kiểu nuôi dạy con cái đương nhiên sẽ cần phải khác nhau để phù hợp với những đứa trẻ khác nhau và bạn có thể thấy rằng phong cách này tốt đầy, nhưng đôi khi lại không phù hợp với bạn nếu con bạn có vấn đề về hành vi hoặc những đặc điểm khác mà bạn gặp khó khăn khi xử lý.
Trong trường hợp này, cách tốt nhất là điều chỉnh cách nuôi dạy con cái của bạn một cách thích hợp và tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia để điểu chỉnh cách nuôi dạy con cái của chính cha mẹ cho phù hợp.
Một trong những đặc điểm quan trọng nhất để mô phỏng theo kiểu nuôi dạy con cái hỗ trợ này là phong cách giao tiếp cởi mở với trẻ. Nếu cha mẹ có thể nuôi dưỡng khả năng nói chuyện với con mà không phán xét hay khiển trách, chúng sẽ có nhiều khả năng hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống, giúp trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới xung quanh.
Cha mẹ kiểu hỗ trợ thường đầu tư thời gian và tâm sức vào việc ngăn chặn các vấn đề về hành vi trước khi bộc phát. Họ cũng sử dụng các chiến lược kỷ luật tích cực để củng cố hành vi tốt.
Các nhà nghiên cứu phát hiện những đứa trẻ có cha mẹ nuôi dạy theo kiểu này, thường trở thành người có trách nhiệm khi lớn lên và cảm thấy thoải mái khi bày tỏ ý kiến của mình. Do đó, chúng có xu hướng sống hạnh phúc và thành công, có khả năng đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định đúng đắn.
2) Cha mẹ kiểu thờ ơ, bỏ bê và không quan tâm con cái
Nuôi dạy con kiểu thờ ơ, bỏ bê là một trong những cách nuôi dạy con có hại nhất có thể được sử dụng cho trẻ. Hay có thể nhiều cha mẹ hiểu lầm theo cách “trời sanh voi sanh cỏ”.
Cái khó ở chỗ nhiều cha mẹ không thừa nhận, hay không biết mình đang trong tình trạng nuôi dạy con cái kiểu bỏ bê, thờ ơ này. Nếu cha mẹ nhận ra mình là cha mẹ bỏ bê hoặc nếu bạn bè nhận ra rằng họ có thể biết cha mẹ nào thuộc tuýp bỏ bê con cái này, điều quan trọng phải hiểu rằng cha mẹ (và trẻ em có liên quan đến tình huống) cần được hỗ trợ để họ có thể có một mối quan hệ lành mạnh và giao tiếp trong gia đình.
Nếu bạn nghi ngờ bạn hoặc một người bạn có thể là cha mẹ bỏ bê, hãy xem xét những điều sau:
- Bạn có quan tâm đến các nhu cầu này của con: tình cảm (cảm xúc của con), thể chất (ăn uống sinh hoạt hằng ngày của con), và những thứ khác?
- Bạn có hiểu về những gì đang xảy ra trong cuộc sống của con bạn không?
- Con bạn có thể chia sẻ, nói chuyện thoải mái với bạn và mong đợi phản hồi tích cực thay vì tiêu cực hoặc không có phản hồi?
- Bạn có thường xuyên đi công tác xa và để con ở với người khác hơn là với bạn?
- Bạn có thường kiếm cớ để không gần con?
- Bạn có biết bạn bè của con là ai? Giáo viên của con? Việc trường lớp của con?
- Bạn có tham gia vào cuộc sống xã hội của con không?
Nếu những điều trên mô tả bạn hoặc ai đó mà bạn biết, thì đã có một đứa trẻ có nguy cơ bị bỏ bê, thiếu chăm sóc bởi chính gia đình mình. Cha mẹ có xu hướng thờ ơ với cách nuôi dạy con cái có thể dễ dàng được giúp đỡ thông qua giáo dục; giáo dục này có thể được tìm thấy bằng cách nói chuyện với bác sĩ gia đình, hoặc đi đến một nhà trị liệu hoặc tư vấn viên.
Bỏ bê, không quan tâm đến con sẽ gây tổn hại cho trẻ em, bởi vì chúng không có nền tảng tin tưởng với cha mẹ để khám phá thế giới. Ngoài ra, những đứa trẻ có mối quan hệ tiêu cực hoặc luôn có sự vắng mặt của cha mẹ sẽ khó khăn hơn trong việc hình thành mối quan hệ với người khác, đặc biệt là trẻ em ở độ tuổi của chúng.
Trẻ em được nuôi dạy theo cách này thường phải vật lộn với các vấn đề về lòng tự trọng. Chúng có xu hướng học kém ở trường, thường xuyên gặp vấn đề về hành vi và luôn cảm thấy tự ti, không hạnh phúc.
Nếu bạn nghi ngờ rằng bạn hoặc một người bạn của bạn có thể là cha mẹ bỏ bê con cái, điều quan trọng là tìm kiếm sự giúp đỡ theo cách không gây tổn hại cho đứa trẻ hơn nữa.
3) Cha mẹ kiểu nuông chiều con cái
Đây được xem là một kiểu nuôi dạy con cái có gây tổn hại không kém kiểu bỏ bê, thờ ơ. Những phụ huynh này luôn đáp ứng mọi yêu cầu của con trẻ. Những phụ huynh này có xu hướng khoan dung, tha thứ, biện minh cho mọi lỗi lầm của con và cố gắng tránh đối đầu với con.
Lợi ích của phong cách làm cha mẹ này là họ thường nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo, quan tâm đển mọi cảm xúc, thể xác và các nhu cầu của con và luôn thể hiện rõ tình yêu thương con. Tuy vậy, các tiêu cực thì lớn hơn lợi ích này rất rất nhiều.
Cha mẹ kiểu nuông chiều cũng chịu khó học hỏi làm cha mẹ tốt, họ thay đổi và luôn tìm cách để con mình tốt hơn, nhưng họ luôn loay hoay, và không có một phương pháp nhất quán nào. Họ cũng lập ra các quy tắc cho con của mình, nhưng quy tắc luôn thay đổi một khi cảm xúc con thay đổi, hay phải chiều con vì một vấn đề gì đó.
Vì những điều này, cha mẹ có thể tạo ra những đứa trẻ ít kỷ luật, không tự chủ, thậm chỉ ích kỷ, không biết chia sẻ hay cảm thông với người khác. Những đứa trẻ này là chuyên gia đòi hỏi, và chỉ nằm chờ sự cung ứng của cha mẹ.
Một số cha mẹ tiếp cận phương pháp này như một cách biện minh với sự giáo dục độc đoán mà mình đã từng trải qua khi còn là một đứa trẻ, cha mẹ không muốn con cái của mình phải trải qua sự độc tài mà họ đã nhận được khi còn là trẻ em, trong khi những người khác chỉ đơn giản là sợ làm bất cứ điều gì có thể làm con họ buồn.
Cách nhận biết nếu bạn là cha mẹ kiểu nuông chiều con cái:
- Bạn không đặt giới hạn hoặc quy tắc nào cho con của bạn? Cho dù có quy tắc, nhưng luôn không nhất quán và phải thỏa hiệp các quy tắc của mình để phù hợp với tâm trạng của con.
- Để tránh xung đột với con bạn có thể dùng một vật hay điều gì khác thay thể
- Bạn luôn sẵn lòng làm bạn thân của con chứ không phải là cha mẹ của chúng không?
- Bạn có thường hối lộ con bạn để làm việc bạn muốn con làm, hay luôn có phần thưởng cho con khi con làm điều gì đó.
Những đặc điểm được mô tả trong các câu hỏi trên đánh dấu một kiểu nuôi dạy con nuông chiều không lành mạnh. Có vẻ như đây sẽ là một kiểu nuôi dạy yêu thích nhất của các con, vì nó mang lại cảm giác tự do mà không có hậu quả, tuy nhiên, trẻ em khao khát cảm giác có được sự tổ chức, sắp xếp, một cái sườn về các quy tắc để khiến chúng cảm thấy an toàn và học hỏi theo.
Điều quan trọng trong sự phát triển của một đứa trẻ là có vai trò rõ ràng của cha mẹ và con cái. Nuôi dạy con kiểu nuông chiều có thể có tác động gây hại lâu dài. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí khoa học của tuổi mới lớn, người ta thấy rằng thanh thiếu niên có cha mẹ dễ dãi, nuông chiều con thì có khả năng rượu, chè ở tuổi vị thành niên nặng gấp ba lần. Điều này cho thấy việc thiếu trách nhiệm đối với hành vi của họ.
Các tác hại khác của việc nuôi dạy nuông chiều con bao gồm:
- Mất an toàn ở trẻ em do thiếu ranh giới
- Kỹ năng xã hội kém, chẳng hạn như chia sẻ, do thiếu kỷ luật
- Luôn cho mình là cái rốn của vũ trụ
- Thành công trong học tập kém, thấp do thiếu động lực nội tại
- Làm gì cũng luôn có điều kiện hay phần thưởng kèm theo.
Nếu bạn thuộc tuýp cha mẹ này, hãy thay đổi ngay, vì bạn đang làm hại đến con nhiều hơn là lợi ích yêu thương con. Điều quan trọng là bắt đầu thiết lập ranh giới và quy tắc cho con và cho chính cha mẹ, tuân thủ và nhất quán với những quy tắc mình đặt ra. Hãy thay đổi trước khi quá muộn. Hãy tìm sự trợ giúp nếu bạn cảm thấy quá khó khăn.
4) Cha mẹ kiểu áp đặt, độc tài, ra lệnh
Nuôi dạy con cái độc tài, áp đặt là kiểu cha mẹ cực kỳ nghiêm khắc, được đặc trưng bởi những bậc cha mẹ chỉ có ra lệnh và con không được cãi lại, nói lại hay đưa ra ý kiến gì cả. Lời cha mẹ nói ra là đúng hết, con phải tuân theo, vì đó là tốt nhất cho con trong cách nghĩ của cha mẹ.
Cha mẹ độc đoán thường không cho phép con cái đối thoại cởi mở giữa cha mẹ và con cái và cha mẹ luôn mong đợi trẻ tuân theo một bộ quy tắc và kỳ vọng nghiêm ngặt để trở thành một đứa con ngoan. Họ thường dựa vào hình phạt để đòi hỏi sự vâng lời hoặc dạy một bài học.
Cha mẹ áp đặt có những biểu hiện sau:
- Cha mẹ có những quy tắc rất nghiêm ngặt và luôn tin rằng đó là tốt nhất, đúng nhất cho con mình.
- Cha mẹ thường không đưa ra lời giải thích nào ngoài việc ra lệnh, và lời “mẹ đã nói/ bố đã nói như vậy” sẽ là như vậy.
- Hình phạt là phương tiện để bắt con cái phải tuân thủ mọi quy tắc và thực thi mọi lời yêu cầu từ cha mẹ.
- Cha mẹ tin rằng trẻ cần được trông nom nhưng không cần lên tiếng, vì trẻ quá nhỏ để biết, mọi sự cân nhắc tốt nhất cha mẹ đã làm.
- Khi nói đến quy tắc, cha mẹ chỉ chấp nhận quy tắc do mình đặt ra.
- Cha mẹ không xem xét, quan tâm đến cảm xúc của con.
- Không quan tâm đến việc đàm phán, thương lượng với trẻ.
- Không cho phép trẻ tham gia vào việc giải quyết một vấn đề nào đó.
- Mọi quyết định là do cha mẹ đưa ra và không cần con cái đưa ý kiến thêm, và khi đả ra quyết định, thì con cái phải thực hiện đúng như vậy.
Trong khi tổ chức và quy tắc là cần thiết cho sự phát triển của khỏe mạnh của trẻ, nhưng khi rơi vào tay của cha mẹ kiểu áp đặt thì tất cả những điều tốt đẹp có thể là quá mức, ép con cái của chính mình đến ngẹt thở, con không dám thổ lộ, hay nói ra suy nghĩ của mình. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái luôn là một khoảng cách xa xôi vạn dặm.
Cha mẹ độc tài thường trừng phạt thay vì tìm cách khác để uốn nắn con vào kỷ luật. Vì vậy, họ không tập trung dạy trẻ cách đưa ra lựa chọn tốt hơn mà muốn khiến trẻ cảm thấy có lỗi vì những sai lầm của chúng.
Trẻ em được nuôi dạy bởi kiểu cha mẹ này có xu hướng tuân theo quy tắc trong xã hội. Tuy nhiên, sự vâng lời được rèn giũa từ nhỏ đồng nghĩa với việc chúng nghĩ rằng ý kiến của mình không có giá trị, do đó lòng tự trọng không cao.
Con cái của cha mẹ độc đoán thường có lòng tự trọng thấp, sợ hãi hoặc nhút nhát, vâng lời để trở thành đứa con ngoan trong mắt cha mẹ, họ gặp khó khăn trong các tình huống xã hội và có thể làm sai khi ở bên ngoài sự chăm sóc của cha mẹ.
Mặt khác, chúng cũng có thể trở nên thiếu thân thiện và hung hăng. Chúng không nghĩ về cách thay đổi để trở nên tốt hơn trong tương lai mà bị dồn nén bởi cảm xúc tiêu cực với cha mẹ. Vì cha mẹ độc tài thường quá nghiêm khắc, con cái của họ có thể trở thành kẻ nói dối sành sỏi do muốn tránh bị trừng phạt hay tranh cãi với cha mẹ mình.
Điều quan trọng là phải cân bằng các quy tắc nuôi dạy con với giao tiếp cởi mở để trẻ biết chính xác lý do tại sao chúng phải tuân theo các quy tắc được đặt trước mặt chúng, tạo những cuộc tranh luận và cho con giải quyết vấn đề của con.
Vậy bạn thuộc kiểu cha mẹ nào?
Tác giả: Nguyễn Thị Nga