Dạy kỹ năng sống cho trẻ tiểu học chuẩn chỉnh sẽ giúp hình thành nhân cách con người của bé khi lớn lên.
Kỹ năng sống cho trẻ tiểu học là khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân trẻ có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.
Trong giáo dục tiểu học, kỹ năng sống tập hợp những khả năng được rèn luyện và đáp ứng các nhu cầu cụ thể của cuộc sống hiện đại hóa như trẻ tự chuẩn bị thức ăn, vệ sinh, phản ứng với sự việc trong cuộc sống.
Vì sao cần dạy kỹ năng sống cho học sinh tiểu học?
Học sinh tiểu học là những bé trong độ tuổi từ 6-10 tuổi. Lúc này tính cách và hành vi của trẻ không còn đi liền với nhau như khi ở độ tuổi mầm non nữa mà sẽ thể hiện một cách chuẩn chỉnh hơn nếu được giáo dục tốt. Tức là, khi dưới 6 tuổi, bé có thể thực hiện những hành vi mà mình thích, có thể đánh bạn không nghe lời mẹ hoặc lầm lì ít nói như chính tính cách của mình vậy.
Dạy kỹ năng sống cho trẻ tiểu học là rất cần thiết. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, bước vào độ tuổi tiểu học, con hoàn toàn có thể uốn nắn, có thể được chỉ bảo và dạy dỗ nhờ thầy cô, bạn bè, bố mẹ và xã hội. Với xã hội vô cùng phức tạp như hiện nay thì việc dạy kỹ năng sống cho trẻ tiểu học tốt và chính xác nhất không ai khác ngoài bố mẹ.
Bên cạnh đó, việc hình thành kỹ năng sống cho trẻ tiểu học trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày sẽ giúp hình thành nhân cách con người trẻ khi lớn lên.
10 kỹ năng sống cần dạy cho trẻ tiểu học
Dạy kỹ năng sống cho trẻ phải được hiểu là dạy cho trẻ "tự ý thức" được việc mình nên làm và làm như thế nào chứ không phải là việc cha mẹ lúc nào cũng kè kè ở bên để nhắc nhở con.
Đối với trẻ trong độ tuổi 6-10, mẹ cần dạy và bé phải đạt được ít nhất 10 kỹ năng sống cơ bản:
Tự giặt quần áo của mình: Quần áo của bố mẹ có thể quá sức của con. Vì thế chỉ nên áp dụng đối với chính quần áo của con. Dạy bé từng bước để làm ướt quần áo, cho xà phòng, chà nhẹ và vắt khô. Nếu nhà bạn dùng máy giặt, hãy dạy cho con những nút ấn giặt cơ bản và tự lấy quần áo đi phơi.
Biết trồng cây: Rất nhiều trẻ tiểu học được học hoặc nhìn các hình minh họa trồng cây từ hạt nhưng chúng lại không biết những cây đó nảy mầm như thế nào. Hãy dạy con các bước để trồng nên một cây rau con ăn hàng ngày: làm đất, chuẩn bị xô (chậu), tưới cây, chăm sóc và thu hoạch.
Gói một món quà: Đây là một kỹ năng cần thiết để dạy cho học sinh tiểu học. Ở độ tuổi này con rất hào hứng khi được bạn bè mời đi dự tiệc sinh nhật. Đừng ỷ lại vào cửa hàng, mẹ hãy mua quà để con tự gói. Biết đâu bạn sẽ nhận được một món quà bất ngờ được gói cẩn thận từ con trong dịp đặc biệt nào đó.
Đóng đinh: Công việc này chắc chắn phù hợp với một bạn nam hơn là một bạn nữ. Tuy nhiên, để dạy kỹ năng sống thì cả hai đều phải học. Hãy chấp nhận vài lần đau đầu tiên nếu xảy ra tai nạn, sau đó bé sẽ biết cách đóng đinh như thế nào.
Viết và gửi thư: Sự phát triển của các thiết bị hiện đại như điện thoại, máy tính đang khiến trẻ mất dần một kỹ năng cần thiết đó là viết và gửi thư. Tuy nhiên nếu được dạy bé sẽ rất thích "trò chơi" mới này.
Hãy bắt đầu bằng việc dạy bé viết thư gửi cho ông bà, bạn bè sau đó làm một chiếc hộp xinh xắn tựa như thùng đựng thư đặt trước cửa nhà để bé tự tay nhét vào đó. Đối với người thân, hãy nhớ có thư hồi đáp lại bé.
Chuẩn bị một bữa ăn đơn giản: Đối với trẻ 5 tuổi, mẹ có thể dạy con cách trộn sữa chua và hoa quả, trẻ từ 7 - 8 tuổi có thể nhặt và rửa rau, trẻ 10 tuổi có thể bắt đầu tập cầm dao cắt rau hoặc gọt hoa quả.
Dạy con cách xác định hướng: Đây là kỹ năng cần thiết cần dạy con để phòng trường hợp bé bị lạc đường. Bé cần phải biết cách xác định hướng về nhà, cách đọc bản đồ.
Tự điều trị vết thương nhỏ: Hãy nói với con rằng, máu không có gì đáng sợ cả, con hãy bình tĩnh điều trị vết thương cho mình. Đừng quên chỉ cho trẻ biết hộp thuốc gia đình đặt ở đâu và nó nên được để vừa tầm với của con.
Dọn vệ sinh phòng tắm hoặc phòng ngủ: Đừng ngại ngần khi dạy con cách vệ sinh phòng tắm hay nhà vệ sinh. Cho bé đeo gang tay nhỏ và bắt đầu bằng việc dùng nước rửa và cọ lau bồn rửa mặt, lau các dụng cụ trong nhà tắm... Và chắc chắn rằng con phải rửa tay chân thật kĩ sau khi lau dọn.
Đối với phòng ngủ, kĩ năng cơ bản cần bé học được chỉ là sắp xếp đồ đạc gọn gàng, gấp chăn, xếp gối và thu dọn đồ chơi của mình.
Dạy con cách chi tiêu tiền: Thay vì lúc nào mẹ cũng tự trả tiền cho những món đồ, những bữa ăn thì thỉnh thoảng hãy để việc đó cho con. Và tiền chắc chắn phải là của bé. Số tiền này có thể là do ai đó cho con hoặc đơn giản là công sức của con khi giúp mẹ làm việc nhà.